4 NỀN TẢNG HÀNG ĐẦU ĐỂ TRIỂN KHAI HEADLESS ECOMMERCE
Trong kiến trúc Headless eCommerce, giao diện người dùng (frontend) tách biệt với nơi lưu trữ logic kinh doanh và cơ sở dữ liệu (backend), hoạt động độc lập và giao tiếp với nhau thông qua API (Application Programming Interface). Phần backend của hệ thống thương mại điện tử có thể liên kết với nhiều frontend để mang đến trải nghiệm đa kênh liền mạch cho khách hàng.
Chính ưu điểm về khả năng đa kênh này (Omnichannel Capabilities) mà ngày càng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu triển khai Headless eCommerce để thích ứng với xu hướng thị trường cũng như thu hút lượng lớn khách hàng ở tất cả các kênh tiềm năng hiện nay.
Dù vậy, từ kế hoạch triển khai đến khi đạt được mục tiêu là một hành trình dài với nhiều bước quan trọng cần doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành. Trong số đó là bước lựa chọn nền tảng phù hợp để triển khai Headless eCommerce. Trên thị trường hiện có 4 nền tảng nổi bật: Adobe Commerce, Shopify Plus, BigCommerce Enterprise và Commercetools.
Bài viết sẽ tập trung giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn bằng cách liệt kê các tiêu chí lựa chọn và ưu nhược điểm của từng nền tảng.
Xem thêm: 5 Lợi Ích Khi Triển Khai Headless eCommerce
Tiêu chí lựa chọn nền tảng Headless eCommerce
Kiến trúc Headless
Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nền tảng được lựa chọn thật sự có hỗ trợ kiến trúc Headless, cho phép việc tách rời giao diện người dùng phía trước (frontend) ra khỏi hệ thống sau (backend). Sự tách biệt này mang lại khả năng đa kênh, giúp doanh nghiệp linh hoạt cung cấp cho khách hàng trải nghiệm liền mạch và nhất quán trên tất cả các kênh (ví dụ: website, thiết bị di động, thiết bị IoT, v.v).
Khả năng API
API rất quan trọng nhằm tích hợp với nhiều giao diện người dùng khác nhau. Vì vậy doanh nghiệp cần tìm đến một nền tảng có khả năng cung cấp các API cho phép tùy chỉnh và trao đổi dữ liệu liền mạch.
Hiệu suất và khả năng mở rộng
Tiếp theo doanh nghiệp cần xem xét đến khả năng mở rộng của một nền tảng, đặc biệt với các doanh nghiệp quy mô lớn, danh mục sản phẩm nhiều và phức tạp hay nhu cầu quản lý tồn kho lớn. Một nền tảng với khả năng mở rộng cao sẽ dễ dàng tăng hoặc giảm quy mô tuỳ nhu cầu, xử lý tốt lưu lượng truy cập cao và đảm bảo hiệu suất ngay cả trong các dịp mua sắm cao điểm.
Khả năng tích hợp với bên thứ ba cũng vô cùng quan trọng khi lựa chọn nền tảng. Các công cụ bên thứ ba sẽ phục vụ cho nhu cầu kinh doanh cụ thể và thúc đẩy sự hiệu quả trong thương mại điện tử. Doanh nghiệp có thể ưu tiên nền tảng với khả năng tích hợp và tương thích cao với đa dạng các công cụ và dịch vụ của bên thứ ba. Trong số đó phải kể đến cổng thanh toán, dịch vụ vận chuyển, hệ thống quản lý nội dung (CMS), công cụ phân tích, v.v.
Tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh
Bên cạnh hiệu suất và khả năng mở rộng thì khả năng tùy chỉnh cũng quan trọng không kém đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tìm kiếm nền tảng để triển khai Headless eCommerce. Doanh nghiệp cần đánh giá tính linh hoạt của nền tảng về mặt thiết kế cũng như trải nghiệm người dùng, đảm bảo nền tảng hỗ trợ tùy chỉnh dễ dàng các giao diện frontend theo nhu cầu.
Khả năng bảo mật
Bảo mật là điều quan trọng đối với bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào. Khi lựa chọn, doanh nghiệp cần đảm bảo nền tảng đó tuân thủ các biện pháp bảo mật tiêu chuẩn, chẳng hạn như thanh toán an toàn PCI DSS, mã hoá SSL, v.v
Phân tích và báo cáo
Các dữ liệu phân tích, báo cáo rất cần thiết để tối ưu hoá hoạt động thương mại điện tử và đưa ra các quyết định điều chỉnh dựa trên dữ liệu. Vì thế, doanh nghiệp cần đến một nền tảng có khả năng phân tích và báo cáo mạnh mẽ giúp cung cấp thông tin chi tiết về hành vi của khách hàng, hiệu quả bán hàng, tỷ lệ chuyển đổi và nhiều chỉ số quan trọng khác.
Hỗ trợ khách hàng
Sẽ tốt hơn nếu triển khai Headless eCommerce với nền tảng cung cấp khả năng và tài nguyên hỗ trợ có giá trị như tài liệu dành cho nhà phát triển, diễn đàn và cộng đồng hỗ trợ có sẵn, hay dịch vụ hỗ trợ khách hàng nhanh nhạy từ chính nền tảng đó. Doanh nghiệp cần đảm bảo có thể nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết trong suốt quá trình triển khai.
Tổng chi phí
Cuối cùng, yếu tố chi phí có khả năng chi phối sự lựa chọn của bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử nào. Các chi phí có thể bao gồm chi phí giấy phép, hosting, chi phí phát triển và bảo trì hay các chi phí liên quan đến việc tích hợp với dịch vụ của bên thứ ba. Doanh nghiệp cần đánh giá những chi phí này so với các khả năng mà nền tảng mang đến có phù hợp với ngân sách và mục tiêu kinh doanh dài hạn hay không.
Bằng cách xem xét các tiêu chí này, doanh nghiệp có thể lựa chọn được nền tảng Headless eCommerce phù hợp với nhu cầu kinh doanh, cung cấp trải nghiệm khách hàng liền mạch và trợ lực cho mục tiêu phát triển dài hạn
4 Nền tảng phù hợp nhất để triển khai Headless eCommerce
Magento (Adobe Commerce)
Magento được biết đến là nền tảng thương mại điện tử open-source hàng đầu thế giới và hiện đang đứng vị trí thứ 3 trong bảng thị phần của các nền tảng thương mại điện tử, chỉ sau WooCommerce và Shopify.
Magento có 2 phiên bản:
- Magento Open Source: phiên bản miễn phí sử dụng nhưng người dùng vẫn phải trả phí hosting, domain, tiện ích mở rộng và phí phát triển khi thuê đơn vị phát triển chuyên về Magento.
- Adobe Commerce: Phiên bản có trả phí sử dụng với nhiều giải pháp thương mại điện tử vượt trội phù hợp với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu phát triển và mở rộng cao. Trong đó có 2 phiên bản là Adobe Commerce và Adobe Commerce Cloud
Ưu điểm
- Bản chất mã nguồn mở (Open-Source) cho phép doanh nghiệp toàn quyền kiểm soát mã nguồn và cơ sở hạ tầng
- Tính linh hoạt và tùy chỉnh cao phù hợp với các yêu cầu thương mại điện tử phức tạp
- Khả năng mở rộng cao phù hợp cho việc vận hành doanh nghiệp quy mô lớn
- Khả năng hỗ trợ đa cửa hàng mạnh mẽ giúp quản lý không giới hạn số lượng cửa hàng ở nhiều địa điểm trên một bảng quản trị duy nhất (admin panel)
- Các API và công nghệ đồng nhất ở tất cả các kênh thúc đẩy khả năng Omnichannel
- Bộ tính năng từ cơ bản đến nâng cao với nhiều tiện ích mở rộng và tích hợp có sẵn giúp tối ưu khả năng thương mại điện tử.
- Hỗ trợ xây dựng Progressive Web App (PWA) với tính năng PWA Studio
Xem thêm: PWA Là Gì? Lợi Ích Khi Triển Khai PWA
Nhược điểm
- Quá trình phát triển, bảo mật, bảo trì phức tạp đòi hỏi bề dày kinh nghiệm về kỹ thuật.
- Chi phí phát triển cao và thời gian
Shopify Plus
Shopify là nền tảng thương mại điện tử SaaS nổi bật trên thị trường với hơn 3.75 triệu cửa hàng đang hoạt động năm 2022.
Shopify hiện cung cấp 2 phiên bản chính:
- Shopify: bao gồm các gói tiêu chuẩn (Basic, Shopify, Advanced) với mức phí và các tính năng phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Shopify Plus: giải pháp thương mại điện tử toàn diện với chi phí hợp lý dành cho các doanh nghiệp từ vừa đến lớn với bộ tính năng nâng cao và công cụ để tối ưu hoạt động kinh doanh.
Ưu điểm
- Nền tảng dễ sử dụng và thân thiện với cả người dùng không nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật
- Hiệu suất và khả năng mở rộng cao, có thể xử lý tốt lưu lượng truy cập tăng cao và số lượng giao dịch lớn.
- GraphQL Storefront API giúp tạo trải nghiệm khách hàng độc đáo trên nhiều kênh như website, ứng dụng di động, thiết bị IoT, v.v
- Các ứng dụng mạnh mẽ từ Shopify App Store với nhiều tiện ích mở rộng và tích hợp dành riêng cho Shopify Plus
- Tùy chỉnh phần frontend dễ dàng với trình chỉnh sửa trực quan và truy cập trực tiếp vào đoạn code
- Thúc đẩy bán hàng đa kênh
- Tự động hóa quy trình thương mại điện tử giúp tiết kiệm nguồn lực vận hành
- Tích hợp sẵn với công cụ và hệ thống bên thứ ba: ERP, CRM, CMS, v.v
Nhược điểm
- Khả năng tùy chỉnh của Shopify Plus tốt nhưng vẫn không thể so được với các nền tảng Open-Source. Ví dụ như cổng thanh toán, chỉ cho phép tích hợp với các cổng đối tác của Shopify như PayPal, 2Checkout, PayDollar, Skrill, v.v, doanh nghiệp không được phép tích hợp với các cổng khác ngoài danh sách này.
- Dữ liệu thương mại điện tử của doanh nghiệp bị lock-in vào cơ sở dữ liệu Shopify Plus. Sự phụ thuộc này đưa đến rủi ro từ nhà cung cấp (Shopify Plus) và khả năng doanh nghiệp truy xuất toàn bộ dữ liệu.
- Shopify Plus hỗ trợ doanh nghiệp tạo nhiều cửa hàng bên cạnh cửa hàng chính nhưng so với Adobe Commerce thì khả năng của Shopify Plus có phần hạn chế. Nền tảng giới hạn số lượng cửa hàng và địa điểm mà doanh nghiệp có thể bổ sung đồng thời doanh nghiệp không thể quản lý nhiều cửa hàng trong cùng một tài khoản Shopify Plus
- Chi phí không cố định mà tăng lên dựa trên doanh thu và nhu cầu phát triển, tích hợp
Chi phí sử dụng: Khởi điểm từ $2,000/tháng và tăng lên dựa trên doanh thu
Xem thêm: Shopify Plus Là Gì? Ưu Nhược Điểm Của Shopify Plus
BigCommerce Enterprise
Tương tự như Shopify, BigCommerce cũng là một trong những nền tảng thương mại điện tử SaaS hàng đầu với nhiều tính năng nổi bật giúp doanh nghiệp xây dựng sự hiện diện trực tuyến nhanh chóng và dễ dàng.
Phiên bản BigCommerce Enterprise chuyên phục vụ các doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều giải pháp tối ưu hoạt động kinh doanh. Trong đó phải kể đến giải pháp BigCommerce Headless eCommerce giúp doanh nghiệp tạo trải nghiệm khách hàng đồng nhất cùng nhiều giải pháp bổ trợ khác giúp website được khởi chạy nhanh chóng và tùy chỉnh dễ dàng.
Ưu điểm
- Nền tảng dễ sử dụng và trực quan
- Kiến trúc API mạnh mẽ để xây dựng các tuỳ chỉnh theo các yêu cầu phức tạp về giao diện người dùng
- Tạo và quản lý nhiều headless storefront trong một dashboard duy nhất
- Khả năng mở rộng cao và hiệu suất web nhanh
- Bộ tính năng Headless mạnh mẽ có thể tích hợp frontend frameworks (Next.js, Gatsby.js và Nuxt.js), CMS, DXP, ORM, v.v
- Khả năng xử lý tối đa 600 SKU trên mỗi sản phẩm
- Thúc đẩy bán hàng đa kênh
- Hỗ trợ vượt trội để xây dựng PWA
Nhược điểm
- Cũng như Shopify Plus, Khả năng tuỳ chỉnh của BigCommerce Enterprise tốt nhưng vẫn không thể so được với các nền tảng Open-Source
- Hạn chế kiểm soát đối với hạ tầng backend và truy cập cơ sở dữ liệu
- Quy trình thanh toán vẫn còn sử dụng tên miền BigCommerce dẫn đến nhiều vấn đề về xác thực và bảo mật
- Chi phí triển khai cao
Chi phí sử dụng: Từ $400/tháng và có thể lên đến $20,000/tháng
Commercetools
Commercetools là nền tảng tiên phong về Headless eCommerce trên thế giới. Nền tảng phát triển dựa trên nguyên tắc MACH (Microservice-based, API-first, Cloud-native và Headless), Commercetools hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và tuỳ chỉnh giải pháp thương mại điện tử phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng của họ.
Ưu điểm
- Khả năng mở rộng và tuỳ chỉnh cao
- Thúc đẩy bán hàng đa kênh
- Các tính năng và chức năng mạnh mẽ: quản lý danh mục, giỏ hàng hợp nhất, quản lý đơn hàng, machine learning, v.v.
- Các khối xây dựng được tạo sẵn giúp doanh nghiệp tạo ra cấu trúc backend riêng
- Phương pháp API-first thúc đẩy tính linh hoạt và mở rộng, tối ưu thời gian phát triển, đảm bảo tính tương thích giữa các chức năng.
- Dùng thử 60 ngày miễn phí
Nhược điểm
- Yêu cầu chuyên môn và kinh nghiệm về kỹ thuật để phát triển
- Hạn chế các tính năng nâng cao dành cho doanh nghiệp lớn, đòi hỏi phát triển tuỳ chỉnh cụ thể
- Lượng người dùng và cộng động hỗ trợ nhỏ hơn so với các nền tảng lâu đời khác nên sẽ khó để tìm kiếm sự hỗ trợ
- Chi phí bắt đầu phát triển với Commercetools rất cao và tuỳ vào doanh thu hàng năm, nhu cầu tích hợp, mở rộng, v.v
Chi phí sử dụng: Chi phí sẽ không được công khai mà doanh nghiệp cần liên hệ Commercetools để trao đổi. Tuy nhiên, đây là một số thông tin tham khảo. Chi phí triển khai bắt đầu từ $300,000 và phí giấy phép bắt đầu từ $200,000/năm
Với bề dày kinh nghiệm tư vấn lựa chọn nền tảng và hỗ trợ triển khai thương mại điện tử cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, SECOMM luôn nhấn mạnh việc chọn đúng nền tảng sẽ là bước đi thành công đầu tiên.
Liên hệ SECOMM hoặc gọi trực tiếp đến số hotline (02871089908) ngay để được tư vấn miễn phí.
Bình luận (0)