THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ MỸ PHẨM: 5 NỀN TẢNG ĐỂ XÂY DỰNG WEBSITE
Song song với kênh bán hàng truyền thống, thương mại điện tử hiện đang trở thành kênh bán hàng mới, triển vọng đối với doanh nghiệp mỹ phẩm. Thế nhưng, để doanh nghiệp trụ vững và tạo ra tăng trưởng đột phá từ kênh thương mại điện tử không phải là điều dễ dàng.
Bởi thế, nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm nhanh chóng triển khai xây dựng trang web kinh doanh mỹ phẩm online và đạt được thành công ngoài mong đợi, vươn lên thống lĩnh thị trường như Kylie Cosmetics, Hasaki, Guardian,…
Lý giải cho thành công của những website này đó là việc lựa chọn nền tảng thương mại điện tử đúng đắn và phù hợp ngay từ đầu. Vậy những nền tảng nào sẽ phù hợp với ngành mỹ phẩm hiện nay?
Salesforce Commerce Cloud
Salesforce Commerce Cloud (SFCC) là nền tảng thương mại điện tử SaaS dựa trên điện toán đám mây với tính linh hoạt cao cho phép doanh nghiệp cung cấp trải nghiệm mua sắm tối ưu cho khách hàng B2B (Business to Business) và B2C (Business to Consumer).
Ngoài ra, Salesforce còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo Einstein AI vào Commerce Cloud giúp hệ thống này trở nên vô cùng thông minh.
Những thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu hiện nay đang sử dụng Salesforce Commerce Cloud để triển khai thương mại điện tử gồm có: L’Occitane, Lancôme, Loreal, Nars, Neutrogena, NYX Cosmetics, Shiseido,…
Ưu điểm:
- Vì là nền tảng SaaS lưu trữ trên đám mây (cloud-based), SFCC cung cấp hạ tầng hosting linh hoạt và mở rộng, đồng thời nhà cung cấp này sẽ chịu trách nhiệm liên quan đến cấu hình, nâng cấp, bảo trì, bảo mật,… giúp người dùng tiết kiệm thời gian và ngân sách trong các vấn đề này.
- Thời gian triển khai thương mại điện tử nhanh vì SFCC gần như là một (ready-made solution) nên doanh nghiệp chỉ cần truyền đạt ý tưởng và đội ngũ IT của SFCC sẽ thực hiện hóa nó trong vòng vài tuần.
- Hệ thống chức năng đa dạng độc đáo, hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử mỹ phẩm như chọn dung tích sản phẩm, mua theo set, mua kèm deal sốc, chương trình flash sale, ưu đãi khách hàng mới, chương trình khách hàng thân thiết, combo khuyến mãi, voucher giảm giá, gợi ý sản phẩm, sản phẩm đã xem,….
- Khác với các nền tảng SaaS khác, SFCC dễ dàng mở rộng quy mô và xử lý các đợt tăng trưởng lưu lượng truy cập đột biến nhằm phục vụ các mùa sale hoặc bất kỳ sự kiện không lường trước khác
- Giải pháp Omnichannel giúp doanh nghiệp mỹ phẩm đồng bộ các kênh bán hàng, tiếp cận và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng đa kênh.
Nhược điểm:
- Các doanh nghiệp hay nhà phát triển cần nhiều kiến thức và chuyên môn về SFCC
- SFCC tính phí người dùng theo mô hình dựa trên doanh thu (Revenue based). Tuỳ vào gói plan lựa chọn, khách hàng sẽ trả 1 hoặc 2% GMV – Tổng giá trị hàng hoá (Gross Merchandise Value) để duy trì quyền sở hữu website. Điều này có nghĩa doanh thu càng cao, chi phí phải trả cho SFCC càng nhiều.
- Hạn chế tích hợp với các dịch vụ bên thứ 3
=> Phù hợp với các doanh nghiệp mỹ phẩm B2C và B2B.
Magento
Magento là một nền tảng mã nguồn mỡ được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và cơ sở dữ liệu MySQL nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Hiện trên thị trường đang có 2 phiên bản Magento tồn tại song song, đó là Magento Open Source là phiên bản miễn phí và Magento Commerce là phiên bản trả phí.
Những website thương mại điện tử mỹ phẩm được xây dựng trên nền tảng Magento thành công với độ nhận diện thương hiệu cao bao gồm: Laneige, Sigma Beauty, Hasaki,…
Ưu điểm:
- Nhiều giao diện riêng cho mỹ phẩm từ cộng đồng nhà phát triển trên toàn cầu, thị trường và các đơn vị phát triển website Magento vì thế doanh nghiệp có thể sử dụng các themes có sẵn hoặc dễ dàng tùy chỉnh trên các themes hoặc yêu cầu thiết kế riêng giao diện.
- Hệ thống chức năng từ cơ bản cho đến nâng cao, chuyên biệt cho ngành mỹ phẩm như chọn dung tích sản phẩm, mua theo set, deal độc quyền, gợi ý sản phẩm, sản phẩm đã xem, ưu đãi thành viên, v.v.
- Khả năng tùy biến linh hoạt của Magento giúp doanh nghiệp vận hành hệ thống hiệu quả nhờ được toàn quyền sở hữu, kiểm soát và tuỳ chỉnh mã nguồn. Ngoài ra, Magento có tuỳ biến theo từng quy mô doanh nghiệp và đáp ứng các nhu cầu thương mại điện tử của cả doanh nghiệp nhỏ và lớn.
- Khả năng mở rộng cao với đa website, đa cửa hàng, đa ngôn ngữ, đa tiền tệ, hữu ích cho việc phát triển hệ thống trong tương lai.
- Khả năng bảo mật cao bởi Magento là hệ thống thương mại điện tử hoàn thiện có thể đảm bảo vận hành liền mạch và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống dữ liệu và quy trình giao dịch. Nhờ vậy mà tính an toàn hệ thống được nâng cao, độ uy tín của website và quyền lợi của người dùng được đảm bảo.
- Cộng đồng nhà phát triển Magento chuyên nghiêp rộng lớn có mặt khắp nơi trên thế giới, luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến kỹ thuật và tư vấn xây dựng các giải pháp thương mại điện tử phù hợp với từng mô hình doanh nghiệp.
Nhược điểm:
- Không có kho giao diện từ Magento để hỗ trợ doanh nghiệp.
- Thời gian triển khai lâu trung bình từ 3-6 tháng, có khi lên đến 1 năm. Nguyên nhân thường do hệ thống sử dụng Magento là các hệ thống thường có chức năng phức tạp.
- Mặc dù được miễn phí sử dụng nền tảng nhưng chi phí triển khai thương mại điện tử với Magento khá cao khoảng $50,000 – $100,000 tuỳ vào mức độ phức tạp của dự án.
=> Nền tảng Magento phù hợp với đa dạng mô hình kinh doanh mỹ phẩm từ B2B, B2C đến B2B2C, đa dạng quy mô doanh nghiệp như startup, SMEs, tập đoàn lớn. Tuy nhiên, chi phí để triển khai Magento thường tương đối lớn nên Magento được các tập đoàn có quy mô lớn hoặc doanh nghiệp có đầu tư chiến lược vào thương mại điện tử ưa chuộng hơn.
WooCommerce
WooCommerce là một plugin miễn phí của WordPress cho phép doanh nghiệp chuyển đổi website WordPress thông thường trở thành website thương mại điện tử chuyên nghiệp với đầy đủ tính năng và khả năng tuỳ chỉnh dễ dàng chỉ với vài thao tác đơn giản.
Một vài ví dụ điển hình từ các thương hiệu lớn đã xây dựng website thương mại điện tử thành công với WooCommerce và tạo ra doanh số bán hàng khủng như: MOI Cosmetics, Bo Shop, Nuty Cosmetics, AB Beauty World, Beauty Garden,…
Ưu điểm:
- Có nhiều giao diện miễn phí và tính phí từ cộng đồng WordPress lẫn WooCommerce cho lĩnh vực mỹ phẩm, dễ dàng tuỳ chỉnh hoặc thiết kế riêng.
- Hệ thống chức năng từ cơ bản đến nâng cao để kinh doanh thương mại điện tử mỹ phẩm như gợi ý sản phẩm tương tự, sản phẩm đã xem, voucher giảm giá, ưu đãi khách hàng mới…
- Vì là nền tảng mã nguồn mã nên doanh nghiệp có thể dễ dàng tích hợp với đa dạng dịch vụ từ bên thứ 3 và lên kế hoạch mở rộng website trong tương lai.
- Chi phí xây dựng website thương mại điện tử không quá cao so với các nền tảng mã nguồn mở khác như Magento, với tổng chi phí hàng năm dao động từ $110 đến $1,500+ cho domain, hosting, themes, extensions, plugins, v.v.
- Thời gian triển khai website thương mại điện tử với WooCommerce khá nhanh, khoảng 1 đến 3 tháng để hoàn thành.
Nhược điểm:
- Hệ thống chức năng còn hạn chế về các tính năng đặc thù cho lĩnh vực mỹ phẩm.
- Khả năng mở rộng không quá cao so với các nền tảng mã nguồn mở khác như Open Cart, Magento vì phải phụ thuộc vào hệ thống của WordPress.
=> WooCommerce sẽ phù hợp với các doanh nghiệp mỹ phẩm, đã sử dụng quen thuộc nền tảng WordPress và mong muốn phát triển hệ thống thương mại điện tử.
Shopify
Shopify là một nền SaaS (Service as a Software) chuyên cung cấp các giải pháp để các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể xây dựng nhanh chóng website thương mại điện tử và bắt đầu bán hàng trực tuyến. Trải qua gần 20 năm hoạt động trên thị trường, Shopify dần trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới và được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lẫn quốc tế tin tưởng sử dụng.
Các doanh nghiệp mỹ đang sử dụng Shopify cho website thương mại điện tử và gặt hái những thành công đáng kể đó là Kylie Cosmetics, Innisfree, Sulwhasoo, Chợ Tình Của Boo, Guardian, Ofélia…
Ưu điểm:
- Sở hữu nhiều giao diện sẵn có phù hợp với ngành mỹ phẩm.
- Hệ thống chức năng từ cơ bản cho đến nâng cao, hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử như gợi ý sản phẩm tương tự, sản phẩm đã xem, voucher giảm giá, ưu đãi khách hàng mới.
- Chi phí ban đầu khá hợp lý với đa dạng sự lựa chọn dành cho doanh nghiệp từ $29/tháng đến khoảng $2,000/tháng.
- Thời gian xây dựng website thương mại điện tử khá nhanh từ 1-7 ngày, hoặc hơn tuỳ vào độ phức tạp của hệ thống.
- Cộng đồng nhà phát triển Shopify đông đảo để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhược điểm:
- Dễ bị trùng lặp themes do sử dụng layout của các templates sẵn có, khó tùy chỉnh themes hoặc thiết kế giao diện riêng vì sẽ ảnh hưởng với hệ thống chung.
- Hệ thống chức năng đặc thù cho lĩnh vực mỹ phẩm còn nhiều hạn chế.
- Đa dạng các dịch vụ bên thứ 3 nhưng vẫn chỉ được tích hợp với các dịch vụ có trong kho ứng dụng của Shopify.
- Chi phí triển khai vừa là ưu điểm đồng thời cũng là nhược điểm của Shopify khi chi phí ban đầu khá hợp lý nhưng về lâu dài thì doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng nền tảng, giao diện, ứng dụng, v.v liên tục mỗi tháng. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dòng tiền.
- Vì là nền tảng SaaS, Shopify sẽ khó mở rộng website trong tương lai.
=> Shopify sẽ là lựa chọn phù hợp đối với các thương hiệu mỹ phẩm startup hoặc SMEs hoạt động khắp toàn cầu.
Haravan
Được thành lập từ năm 2014, Haravan là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp bán lẻ Omnichannel, Thương mại điện tử và Engagement Marketing cho doanh nghiệp và người kinh doanh tại Việt Nam với mục tiêu tiếp theo là mở rộng ra nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Riêng lĩnh vực mỹ phẩm, Haravan nhận được sự tín nhiệm rất cao từ các thương hiệu nhờ tính hiệu quả của hệ thống website mà công ty đã xây dựng cũng như doanh số bán lẻ trực tuyến bứt phá.
Một số thương hiệu mỹ phẩm nổi bật tại Việt Nam sử dụng nền tảng Haravan để triển khai website thương mại điện tử phải kể đến như: The Face Shop, Thế Giới Son Môi, Thế Giới Skin Food, Lam Thảo Cosmetics….
Ưu điểm:
- Kho giao diện có sẵn và đa dạng dành cho lĩnh vực mỹ phẩm.
- Kho ứng dụng đa dạng, từ cơ bản cho đến nâng cao để khởi động kinh doanh thương mại điện tử.
- Chi phí khởi động thương mại điện tử hợp lý, đa dạng gói từ 200,000 VND/tháng đến 3,000,000 VND/tháng giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.
- Thời gian xây dựng website thương mại điện tử nhanh, chỉ khoảng 30 phút để doanh nghiệp sở hữu một trang web với đầy đủ tính năng cần thiết để bắt đầu.
Nhược điểm:
- Hạn chế tuỳ chỉnh themes và thiết kế giao diện riêng. Ngoài ra, do sử dụng layout của các templates có sẵn nên giao diện dễ bị trùng lặp.
- Hạn chế các chức năng nâng cao và đặc thù cho lĩnh vực mỹ phẩm.
- Chỉ được tích hợp với các dịch vụ/tiện ích nằm trong hệ sinh thái của Haravan.
- Vì là nền tảng SaaS, Haravan sẽ khó mở rộng website trong tương lai.
=> Haravan phù hợp với các doanh nghiệp mỹ phẩm startup hoặc SMEs có hoạt động chủ yếu tại Việt Nam.
Lựa chọn nền tảng phù hợp là bước đầu vô cùng quan trọng khi xây website thương mại điện tử mỹ phẩm. Việc lựa chọn đúng nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm ngân sách, thời gian xây dựng website vừa gia tăng lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Ngược lại, khi lựa chọn sai nền tảng sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, ngân sách triển khai và chuyển đổi nền tảng nhiều lần. Vì vậy, doanh nghiệp cần xem xét các mục tiêu, vấn đề trong mô hình hiện tại để có thể lựa chọn nền tảng phù hợp nhất.
Với bề dày kinh nghiệm triển khai thương mại điện tử thành công cho nhiều khách hàng tại nhiều quốc gia trong những năm vừa qua, SECOMM chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn với các giải pháp triển khai thương mại điện tử toàn diện, chuyên nghiệp, bài bản.
Liên hệ với SECOMM ngay hôm nay để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn miễn phí.
Bình luận (0)