QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI ECOMMERCE LOYALTY PROGRAM
Những khách hàng trung thành đóng góp rất lớn vào khoản lợi nhuận cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Vì thế, doanh nghiệp cần tập trung củng cố mối quan hệ với khách hàng và thúc đẩy việc mua hàng lặp lại. Trong vô số cách thức có thể kể đến, xây dựng và khuyến khích khách hàng tham gia vào các chương trình khách hàng thân thiết (Loyalty Program) là một chiến lược hiệu quả. Dưới đây là quy trình xây dựng và triển khai thành công eCommerce Loyalty Program.
Xem thêm: Đi Tìm Ý Nghĩa Của Loyalty Program Trong Thương Mại Điện Tử
Thiết Lập Mục Tiêu
Bước đầu tiên của quy trình là thiết lập mục tiêu của loyalty program bao gồm việc xác định mục tiêu cần đạt được với chương trình khách hàng thân thiết, chẳng hạn như tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng, khuyến khích mua hàng lặp lại, thu hút khách hàng mới hay tăng giá trị vòng đời của khách hàng, v.v. Tuy nhiên, các mục tiêu này phải phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định rõ đối tượng mục tiêu mà chương trình khách hàng thân thiết sẽ hướng đến bằng cách phân tích các đặc điểm về nhân khẩu học, tâm lý đối tượng mục tiêu nhằm thiết kế loyalty program phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu các chương trình khách hàng thân thiết của đối thủ cạnh tranh, phân tích điểm mạnh điểm yếu và từ đó sáng tạo loyalty program của riêng mình nhằm tạo sự khác biệt và mang đến những giá trị độc đáo cho khách hàng.
Xây Dựng Loyalty Program
Lựa Chọn loại Loyalty Program
Hiện nay có đa dạng chương trình khách hàng thân thiết khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là Chương trình tích điểm, Chương trình ưu đãi phân theo cấp bậc và Chương trình đăng ký thành viên.
- Chương Trình Tích Điểm (Point-based Loyalty Program)
Đây là chương trình giúp khách hàng nhận điểm trong mỗi lần mua hàng hoặc thực hiện một số hành động cụ thể và tiến hành đổi ra phần thưởng khi đã tích lũy đủ số điểm quy định. Chương trình tích điểm rất phổ biến khi triển khai loyalty program trong thương mại điện tử vì doanh nghiệp có thể dễ dàng thiết lập và quản lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý về giá trị của phần thưởng khách hàng sẽ nhận được cũng như thời gian đổi điểm nhận thưởng hợp lý đủ để tạo nên sức hấp dẫn của chương trình.
- Chương Trình Ưu Đãi Theo Cấp Bậc (Tiered-based Loyalty Program)
Dạng chương trình này khuyến khích khách hàng nỗ lực để thăng bậc và nhận về phần thưởng và lợi ích có giá trị cao hơn. Điều này đòi hỏi khách hàng phải đầu tư thời gian và tiền bạc vào hoạt động mua sắm và gắn kết với thương hiệu, nghĩa là khi chi tiêu càng nhiều thì lợi ích nhận được càng nhiều. Khi đó, mức độ trung thành của khách hàng đối với thương hiệu sẽ tăng.
- Chương Trình Đăng Ký Thành Viên (Subscription-based Loyalty Program)
Với chương trình này, để tham gia khách hàng sẽ phải đăng ký làm thành viên và phải trả phí theo tháng, theo quý hoặc theo năm tuỳ vào thể lệ của mỗi chương trình. Do tính chất của dạng chương trình này buộc khách hàng trả phí tham gia nên sự cam kết tương tác và gắn kết với thương hiệu vì thế cũng cao hơn những dạng chương trình khác.
Thông thường, các chương trình đăng ký thành viên sẽ có khoảng thời gian trải nghiệm thử để khách hàng quyết định có thật sự tham gia hay không và đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thuyết phục khách hàng với giá trị mà họ sẽ nhận là hoàn toàn xứng đáng với số tiền chi ra.
Việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào ngân sách, nguồn lực cũng như định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp
Lựa Chọn Phần Thưởng
Sau khi đã đưa ra quyết định sẽ xây dựng dạng chương trình khách hàng thân thiết nào, doanh nghiệp sẽ tiến hành chọn phần thưởng phù hợp với dạng chương trình đó.
Với chương trình tích điểm thì ưu đãi giảm giá cho lần mua hàng tiếp theo, miễn phí vận chuyển, quà tặng miễn phí, ưu tiên hỗ trợ khách hàng, quyền tham gia sự kiện và cập nhật thông tin mới nhất về sản phẩm là những phần thưởng thường thấy trong dạng chương trình này.
Chương trình SHEIN Bonus Point là một dạng chương trình tích điểm điển hình, với $1 chi tiêu tương đương 1 điểm. Ngoài ra, khách hàng còn có thể tích lũy điểm thưởng bằng cách thực hiện một số hành động cụ thể như xác minh tài khoản, đánh giá sản phẩm, v.v. Khi đạt được số điểm quy định, khách hàng có thể quy đổi và nhận được ưu đãi giảm giá lên đến 70%.
Đối với dạng chương trình ưu đãi theo cấp bậc, các cấp bậc sẽ quyết định lợi ích tương đương mà khách hàng sẽ nhận và đòi hỏi sự nỗ lực để duy trì hoặc thăng bậc. Chính vì thế, phần thưởng sẽ được thiết kế mang nét đặc trưng của thương hiệu và cá nhân hoá cho từng khách hàng ở từng cấp bậc cụ thể. Điều này làm cho những nỗ lực của khách hàng trở nên xứng đáng.
Đơn cử như Aldo Crew – chương trình ưu đãi phân theo cấp bậc của thương hiệu thời trang đình đám Aldo với 3 cấp bậc chính là Crew, Plus và VIP. Chương trình mang đến cho khách những ưu đãi hấp dẫn và mang tính cá nhân như mức giá đặc biệt, quà tặng miễn phí nhân ngày sinh nhật, giảm giá sinh nhật, giảm giá túi xách 20% khi mua giày dép, ưu đãi độc quyền và bất ngờ, chia sẻ tài khoản với bạn bè.
Các chương trình đăng ký thành viên đa phần được các doanh nghiệp lớn và nổi tiếng hàng đầu thế giới áp dụng vì sự uy tín, giá trị và chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ của họ khiến khách hàng tin tưởng và chi tiền để đăng ký tham gia. Phần thưởng của dạng chương trình này thiên về tính độc quyền, chỉ có tại thương hiệu và chỉ dành cho những khách hàng có đăng ký thành viên.
Ví dụ: Đối với những khách hàng đăng ký chương trình thành viên Walmart+ sẽ có được các ưu đãi về sản phẩm, chính sách vận chuyển, dịch vụ đổ xăng, xem phim mà những khách hàng không là thành viên không thể nhận được.
Tuỳ vào chương trình khách hàng thân thiết đã chọn, doanh nghiệp sẽ chọn phần thưởng phù hợp với cả khách hàng và doanh nghiệp. Thế nhưng doanh nghiệp cần cân nhắc chi phí của mỗi phần thưởng cũng như lợi ích mang đến cho doanh nghiệp trước khi áp dụng vào chương trình. Việc cung cấp các phần thưởng có giá trị có thể khuyến khích khách hàng tham gia và tương tác nhiều hơn với chương trình, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng và tăng giá trị trọn đời (Customer Lifetime Value) của khách hàng.
Chọn phần mềm xây dựng
Doanh nghiệp sẽ cần một nền tảng phần mềm để thiết lập, quản lý chương trình khách hàng thân thiết, theo dõi hoạt động của khách hàng và phân phối phần thưởng. Để chọn được phần mềm phù hợp, doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố như tính dễ sử dụng, khả năng tích hợp với website thương mại điện tử và giá của phần mềm. Trên thị trường hiện này có nhiều loại phần mềm loyalty program rất phổ biến như Smile.io, Loyalty Lion, Yotpo, S Loyalty, v.v.
Đa số các phần mềm này đều có thể tích hợp dễ dàng và hoạt động hiệu quả với các nền tảng thương mại điện tử như Magento, Shopify, WooCommerce, v.v.
Xây dựng thể lệ chương trình
Tiếp theo là xây dựng thể lệ của chương trình. Doanh nghiệp cần đảm bảo các quy tắc và điều kiện tham gia được trình bày rõ ràng, dễ hiểu và dễ làm theo.
Ví dụ như chương trình dựa trên cấp bậc Sephora Beauty Insider cho khách hàng biết với mỗi dollar họ chi tiêu sẽ tương đương 1 điểm, đồng thời trình bày rõ điều kiện để tham gia và để thăng bậc.
Hay như chương trình Walmart+, khách hàng dễ dàng nhận ra lợi ích họ sẽ nhận được khi tham gia cũng như chi phí phải bỏ ra là $12.95/tháng sau khi đã trải nghiệm thử 30 ngày.
Ngoài ra, cách thức đăng ký tham gia cũng nên dễ thực hiện. Thông thường, các thương hiệu sẽ yêu cầu khách hàng đăng ký tài khoản trên website hoặc điền thông tin vào form đăng ký, thậm chí đơn giản hơn là chỉ cần đăng nhập bằng facebook là có thể tham gia. Những thao tác này rất dễ thực hiện và không mất quá nhiều thời gian.
Đơn cử như Sephora Beauty Insider, khách hàng có thể nhấn “join now”, điền form và tham gia chương trình ở cấp bậc Insider. Hoặc, nếu đã có tài khoản thì cần đăng nhập để xem điểm tích lũy cũng như cấp bậc của mình
Đối với chương trình Aldo Crew, khách hàng cần điền thông tin vào form đăng ký trên website hoặc đăng nhập bằng tài khoản Facebook để bắt đầu.
Bên cạnh việc chú ý đến sự rõ ràng và dễ hiểu của thể lệ chương trình, doanh nghiệp còn phải đảm bảo điều kiện đưa ra phải phù hợp để khách hàng có thể đạt được phần thưởng nhanh chóng và duy trì sức hấp dẫn cho chương trình, nhưng đồng thời cũng mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như chương trình đăng ký thành viên Amazon Prime, công ty cung cấp cho khách hàng 30 ngày trải nghiệm thử và nhiều sự lựa chọn về giá. Trong đó đáng chú ý nhất là 2 gói trả theo tháng với $14.99/tháng và trả theo năm với $139/năm. Phần lớn tâm lý khách hàng sẽ chọn gói trả theo năm ($139) để tiết kiệm tiền và đây cũng là chủ ý của Amazon vì lợi nhuận họ thu về sẽ cao hơn.
Triển khai loyalty Program
Tích hợp chương trình vào website thương mại điện tử
Để bắt đầu triển khai chương trình khách hàng thân thiết, doanh nghiệp cần tích hợp chương trình vào website thương mại điện tử cũng như hiển thị số dư điểm và phần thưởng trên trang giỏ hàng.
Lấy Sephora làm ví dụ một lần nữa, trên trang profile của người dùng có hiển thị cấp bậc hiện tại của khách hàng cũng như số điểm hiện có.
Đào tạo đội ngũ
Để triển khai thành công eCommerce loyalty program, doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ hiểu về chương trình bao gồm điều kiện tham gia, cách tích điểm, phần thưởng, v.v. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo đội ngũ biết cách trả lời câu hỏi của khách hàng về chương trình và xử lý tốt các vấn đề có thể phát sinh. Công tác đào tạo phải được diễn ra thường xuyên vì chương trình khách hàng thân thiết có thể phát triển và thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường.
Bằng cách đào tạo hiệu quả, doanh nghiệp có thể trang bị cho đội ngũ của mình kiến thức và sự tự tin để quảng bá và quản lý chương trình khách hàng. Điều này góp phần vào sự thành công của loyalty program.
Ra mắt và quảng bá chương trình
Khi ra mắt loyalty program, doanh nghiệp cần đảm bảo chương trình được nhiều người biết đến vì thế thực hiện quảng bá là điều cần thiết. Để quảng bá chương trình một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần cân nhắc hiển thị chương trình nổi bật trên trang chủ và menu điều hướng của website thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện quảng bá trên mạng xã hội hoặc sử dụng email marketing với đồ hoạ bắt mắt và nội dung hấp dẫn.
Hoặc, doanh nghiệp có thể triển khai chiến dịch Influencer Marketing để nâng cao nhận thức và mức độ tương tác với chương trình. Đặc biệt, kiểu marketing thường thấy trong các chương trình loyalty hiện nay là Referral Marketing — khuyến khích khách hàng giới thiệu thành viên mới cho chương trình để mở rộng tệp khách hàng.
Các chương trình như Sephora Beauty Insider, Amazon Prime, Walmart+, Aldo Crew, eBay Plus đều có chương trình giới thiệu. Khi ai đó bất kỳ đăng ký chương trình khách hàng thân thiết thông qua link giới thiệu thì cả người giới thiệu và người được giới thiệu sẽ nhận được khoảng bonus nhỏ từ $1-$10 hoặc được giảm giá cho lần mua hàng kế tiếp.
Đo lường kết quả và tiếp tục tương tác với khách hàng (Measure outcomes & keep customers engaged)
Khi đã triển khai loyalty program, doanh nghiệp cần theo dõi và đo lường kết quả của chương trình nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra đã đạt được và thực hiện các điều chỉnh nếu cần thiết.
Doanh nghiệp có thể sử dụng các chỉ số KPI như tỷ lệ giữ chân khách hàng, tỷ lệ mua hàng lặp lại hay giá trị đơn hàng trung bình của các thành viên so với khách hàng không phải thành viên. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thu thập và phân tích các phản hồi và đánh giá của khách hàng về mức độ hài lòng của họ đối với chương trình, từ đó tìm ra các vấn đề cần cải thiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần liên tục tương tác với khách hàng thành viên và thu hút họ quan tâm nhiều hơn về chương trình bằng cách thường xuyên cải thiện, cập nhật chương trình cũng như xúc tiến quảng bá loyalty program trên các kênh marketing.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến phần thưởng và trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp trải nghiệm và phần thưởng theo cách cá nhân hoá dựa trên sở thích, hành vi của họ. Điều này sẽ khiến khách hàng hài lòng và tương tác nhiều hơn.
Hơn nữa, nhằm tăng tỷ lệ giữ chân và duy trì lòng trung thành đối với thương hiệu, doanh nghiệp có thể xem xét xây dựng cộng đồng thành viên bằng cách tổ chức các sự kiện gắn kết và các chương trình khuyến mãi dành riêng cho các thành viên của chương trình.
Như Sephora Beauty Insider, bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời khác, tất cả thành viên bậc Insider, VIB và Rouge còn có cơ hội tham gia các sự kiện độc quyền của thương hiệu vào những dịp đặc biệt. Điều này đã tạo nên một cộng đồng những khách hàng thành viên yêu làm đẹp và trung thành với Sephora.
Giữ chân khách hàng không phải là việc thuyết phục những khách hàng sắp rời đi để ở lại. Thay vào đó, giữ chân nghĩa là cung cấp thật nhiều giá trị cho khách hàng hiện tại để họ không thể rời đi và trở thành nguồn lợi lớn nhất của doanh nghiệp.
Do đó, nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng các loyalty program là cách hiệu quả để tăng tỷ lệ giữ chân và duy trì lòng trung thành đối với thương hiệu.
Liên hệ SECOMM để được tư vấn xây dựng loyalty program chuyên nghiệp.
Bình luận (0)