SO SÁNH NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ SAAS VÀ MÃ NGUỒN MỞ
Nền tảng thương mại điện tử SaaS
Nền tảng thương mại điện tử SaaS (Software as a Service) là mô hình phân phối dịch vụ xây dựng hệ thống website dưới dạng 1 phần mềm. Trong mô hình này, dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống server của nhà cung cấp và nền tảng đó sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Một số nền tảng SaaS được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn như Haravan, Shopify và BigCommerce.
Ưu điểm của nền tảng thương mại điện tử SaaS
Hệ thống sẵn có từ A-Z
Nền tảng SaaS được nhà cung cấp thiết kế sẵn toàn bộ hệ thống, từ cung cấp hosting, giao diện, tính năng cho đến bảo trì hạ tầng công nghệ. Do đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng và vận hành hệ thống website mà không cần bận tâm nhiều đến vấn đề kỹ thuật.
Thêm vào đó, nhà phát triển nền tảng còn hỗ trợ 24/7 cho doanh nghiệp thông qua live chat, desk help hoặc hotline trong quá trình sử dụng.
Kho giao diện và hệ thống chức năng đa dạng
Các nền tảng SaaS thường có nhiều giao diện (theme) sẵn có, đẹp mắt, chuẩn UX/UI và phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đồng thời, các nền tảng này còn sở hữu hệ thống chức năng thương mại điện tử cơ bản đa dạng từ quản lý sản phẩm, quản lý đơn hàng, quản lý khách hàng, Ecommerce Marketing đến phân tích và báo cáo giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo một cửa hàng trực tuyến nhanh chóng. Ngoài ra, Các tiện ích mở rộng cũng được bổ sung liên tục trên kho ứng dụng như Omnichannel (Bán hàng đa kênh), Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết), E-Payment, E-Logistic, etc để hoàn thiện và phát triển hệ thống kinh doanh thương mại điện tử cơ bản.
Thời gian triển khai nhanh
Thời gian để triển khai hệ thống website trên các nền tảng thương mại điện tử SaaS được đánh giá khá nhanh, trung bình từ 1 – 7 ngày tuỳ vào cấu hình của website.
Ngân sách đầu tư hợp lý
Chi phí xây dựng ban đầu khá hợp lý vì để phát triển website trên các nền tảng tmđt SaaS, doanh nghiệp sẽ trả chi phí sử dụng theo tháng hoặc năm (subscription-based), chẳng hạn như:
- Haravan:
- Standard: 200.000 VNĐ/tháng phù hợp với nhà bán hàng cá nhân
- Pro: 600.000 VNĐ/tháng dành cho doanh nghiệp muốn triển khai Omnichannel
- Grow: 1.500.000 VNĐ/tháng với ưu điểm tự động hoá các chương trình chăm sóc và bán lại khách hàng cũ
- Scale: 3.000.000 VNĐ/tháng giúp kiến tạo tập khách hàng trung thành
- Shopify:
- Basic Shopify: $29/tháng phù hợp với những doanh nghiệp mới, có doanh số bán hàng chưa đáng kể
- Shopify: $79/tháng phù hợp với những doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đang trên đà tăng trưởng
- Advanced Shopify: $299/tháng phù hợp với những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô và cần các báo cáo, phân tích nâng cao
- BigCommerce:
- Gói Standard: $29,95/tháng với doanh nghiệp có doanh số trên 50k$
- Gói Plus: $79,95/tháng với doanh nghiệp có doanh số trên 180k$
- Gói Pro: $299,95/tháng với doanh nghiệp có doanh số trên 400k$
- Gói Enterprise: Dành cho các doanh nghiệp có doanh số lớn và chi phí sẽ dựa trên doanh số bán hàng trực tuyến của thương hiệu
Ngoài chi phí license (giấy phép sử dụng nền tảng SaaS) phải trả hàng tháng/năm như trên thì doanh nghiệp cần chi trả thêm một số chi phí khác như phí giao diện, chi phí tăng số lượng user backend và kênh POS (Point of Sale) để mở rộng quy mô hệ thống thương mại điện tử hoặc cài đặt các tính năng nâng cao.
Nhược điểm của nền tảng thương mại điện tử SaaS
Không sở hữu mã nguồn và dữ liệu
Vì toàn bộ hệ thống website của doanh nghiệp được lưu trữ trên server của nhà cung cấp nên quyền sở hữu và kiểm soát mã nguồn website sẽ thuộc về nền tảng đó chứ không phải là doanh nghiệp. Một khi chuyển đổi nền tảng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn được sử dụng mã nguồn website cũ và phải xây dựng lại từ đầu trên nền tảng mới. Đặc biệt khi chuyển đổi nền tảng thì việc thất thoát hoặc sai lệch số liệu thường khó tránh khỏi.
Tương tự như mã nguồn, dữ liệu của doanh nghiệp cũng được lưu trữ trên server của nhà cung cấp nên việc sở hữu và kiểm soát dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế. Khó khăn khi không sở hữu và toàn quyền kiểm soát dữ liệu như khó kết nối dữ liệu giữa các phòng ban, cá nhân hoá người dùng, etc.
Khả năng linh hoạt và mở rộng thấp
Do phụ thuộc vào nền tảng SaaS nên khả năng tùy biến và độ mở rộng của hệ thống còn nhiều hạn chế. Khi cần nâng cấp các tính năng hiện có, phát triển các tính năng mới để tương thích với sự tăng trưởng của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặc thù ngành hàng, sản phẩm, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng thì các nền tảng SaaS thường không thể đáp ứng. Vì vậy, việc chuyển đổi nền tảng sau một thời gian sử dụng là không thể tránh khỏi và tất nhiên việc chuyển đổi này sẽ hao tốn nhiều thời gian và ngân sách của doanh nghiệp.
Chi phí sử dụng tăng theo thời gian
Do phải chi trả chi phí sử dụng theo tháng hoặc năm nên càng sử dụng lâu, tổng chi phí sử dụng website càng tăng. Thêm vào đó, các chi phí tăng thêm trên một số nền tảng thương mại điện tử SaaS cũng được tính theo tháng/năm, hoặc tăng theo doanh thu bán hàng trực tuyến.
Ví dụ: Một số ứng dụng như DCart (Tạo mã giảm giá trên giỏ hàng), OctaneAI (Gợi ý sản phẩm tương tự), Ali Reviews (Đánh giá sản phẩm), etc trên Shopify sẽ tính phí theo tháng, trung bình $10/tháng/tính năng. Nếu số lượng ứng dụng được sử dụng càng nhiều thì chi phí hàng tháng hoặc hàng năm sẽ càng tăng đáng kể.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn nền tảng SaaS nếu muốn thâm nhập nhanh vào thị trường thương mại điện tử, ít nhu cầu tùy chỉnh và không cần mở rộng hệ thống. Chính vì vậy, các nền tảng SaaS thường được các doanh nghiệp Startup, SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) hoặc mới bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử lựa chọn.
Nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở
Mã nguồn mở (Open Source) là phần mềm có mã nguồn được công bố công khai và cho phép bất cứ ai cũng có thể sử dụng miễn phí.
Các nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở có đặc điểm trái ngược với các nền tảng SaaS vì dữ liệu và mã nguồn sẽ được lưu trữ trên hệ thống server riêng. Để sử dụng các nền tảng mã nguồn mở, doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà phát triển website giàu kinh nghiệm hoặc xây dựng đội ngũ in-house (nội bộ) có chuyên môn cao để hệ thống website đạt hiệu quả tối ưu.
Các nền tảng mã nguồn mở phổ biến nhất hiện nay là Magento, WooCommerce (plugin của WordPress), OpenCart và PrestaShop
Ưu điểm của nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở
Sở hữu mã nguồn và kiểm soát dữ liệu
Nhờ đặc điểm lưu trữ trên hệ thống server riêng nên doanh nghiệp được toàn quyền sở hữu và kiểm soát mã nguồn lẫn dữ liệu trên hệ thống. Nhờ đó, khi triển khai thương mại điện tử doanh nghiệp chỉ cần thanh toán chi phí phát triển theo dự án một lần để sử dụng mã nguồn mà không cần trả phí license theo tháng/năm như trên các nền tảng Saas. Nếu doanh nghiệp đổi nhà phát triển hoặc nền tảng đều có thể sử dụng lại mã nguồn cũ. Đồng thời, việc bảo mật được tối ưu hơn, hạn chế “nỗi đau” từ hacker, lỗi server, lỗi kỹ thuật từ nhân viên và khách hàng.
Tùy chỉnh giao diện theo nhu cầu
Vì sử dụng mã nguồn mở nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc thiết kế giao diện website của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ định vị thương hiệu và tối đa hóa doanh thu.
Hiện tại, có 3 cách để thiết kế giao diện:
- Sử dụng theme (giao diện) sẵn có: Tương tự như nền tảng SaaS, doanh nghiệp có thể lựa chọn và sử dụng các theme sẵn có trên thị trường, cộng đồng phát triển hoặc đơn vị hợp tác. Cách này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhất, một theme chuẩn UX/UI có giá trung bình từ $50 – $200.
- Tùy chỉnh giao diện dựa trên theme sẵn có: Tương tự như cách trên, nhưng thay vì mua rồi sử dụng giao diện y hệt theme sẵn có, doanh nghiệp có thể tùy chỉnh theo nét đặc trưng riêng bằng cách tác động đến mã code ở front-end. Từ đó, doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí vừa thể hiện được nét độc đáo riêng.
- Thiết kế giao diện riêng: Để định vị thương hiệu trên website một cách hiệu quả nhất thì giao diện nên được thiết kế riêng. Việc này thường tốn chi phí hơn việc sử dụng theme nhưng lại đáp ứng tối đa các nhu cầu chuyên biệt và đặc thù của doanh nghiệp.
Đầy đủ tính năng và tiện ích bổ sung
Về phần tính năng của hệ thống website, các nền tảng mã nguồn mở có phần vượt trội hơn các nền tảng SaaS. Ngoài việc sở hữu các chức năng cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh doanh thương mại điện tử trong giai đoạn đầu, các nền tảng này còn có sẵn nhiều tính năng nâng cao trong hệ thống như: tìm kiếm sản phẩm nhanh, gợi ý sản phẩm tương tự, thông báo giỏ hàng bị bỏ rơi (Abandoned Cart), số lượng sản phẩm trong thời gian thực tại mỗi cửa hàng, etc.
Ngoài ra, nền tảng mã nguồn mở còn có nhiều tiện ích bổ sung được cộng đồng nhà phát triển nghiên cứu, cung cấp và chia sẻ với nhau.
Khả năng linh hoạt cao
Nhờ sở hữu mã nguồn riêng nên doanh nghiệp có thể dễ dàng thay đổi hệ thống chức năng, phát triển các chức năng mới hoặc mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường. Đồng thời, khả năng linh hoạt của mã nguồn mở còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tích hợp với các hệ thống khác, dịch vụ tiện ích của bên thứ 3 để vận hành và mở rộng hệ thống thương mại điện tử hiệu quả.
Nhược điểm của nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở
Cần đội ngũ chuyên môn hoặc đơn vị phát triển nhiều kinh nghiệm
Với hệ thống tính năng thương mại điện tử đa dạng từ cơ bản đến nâng cao, có thể thiết kế “may đo” cho từng doanh nghiệp nên các hệ thống được xây dựng trên nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở thường có độ phức tạp cao. Vì vậy, đội ngũ chuyên môn hoặc đơn vị phát triển cần phải có chuyên môn sâu và nhiều năm kinh nghiệm để phát triển và vận hành hiệu quả.
Thời gian triển khai lâu
Thời gian triển khai trên các nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở thường lâu hơn nền tảng SaaS. Thời gian trung bình để đội ngũ IT hoàn thành một website trên nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở thường từ 3 tháng đến 1 năm, tuỳ vào độ phức tạp của hệ thống chức năng.
Chi phí xây dựng cao
Thông thường, chi phí sử dụng nền tảng mã nguồn mở thường miễn phí nhưng để có được hệ thống thương mại điện tử toàn diện từ website cho đến app mobile (ứng dụng trên điện thoại di động) thì cần đầu tư rất nhiều giờ của đội ngũ IT (trong nội bộ hoặc các đơn vị phát triển) để thiết kế giao diện, xây dựng chức năng. Chính vì vậy, chi phí triển khai website thương mại điện tử ban đầu trên nền tảng mã nguồn mở thường khá cao, trung bình khoảng $10,000/dự án.
Với rất nhiều ưu điểm vượt trội nên nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hạn chế về ngân sách và thời gian triển khai đã khiến cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể sử dụng. Các nền tảng này thường được các doanh nghiệp lớn đầu tư để xây dựng các hệ thống thương mại điện tử chuyên sâu và chuyên biệt.
Nhìn chung, việc lựa chọn sử dụng nền tảng thương mại điện tử nào sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, ngân sách và thời gian triển khai thương mại điện tử của mỗi doanh nghiệp.
Thông thường, các doanh nghiệp mới tham gia thương mại điện tử hoặc có ngân sách hạn chế sẽ lựa chọn nền tảng SaaS để xây dựng website thương mại điện tử cơ bản trong giai đoạn đầu. Sau đó, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi sang nền tảng mã nguồn mở để xây dựng website thương mại điện tử chuyên sâu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các nền tảng này vì các vấn đề ngân sách, và thời gian để chuyển đổi nền tảng là rất lớn. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã lựa chọn bắt đầu kinh doanh thương mại điện tử với nền tảng mã nguồn mở trước rồi dần nâng cấp website theo thời gian để nắm thế chủ động trong “cuộc chơi” và tránh việc chuyển đổi nền tảng.
Với hơn 7 năm kinh nghiệm phát triển nhiều hệ thống thương mại điện tử phức tạp trên nhiều quốc gia, SECOMM hiểu rõ các trở ngại mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Liên hệ ngay với SECOMM để được miễn phí tư vấn cách lựa chọn nền tảng hoặc giải pháp triển khai thương mại điện tử bền vững!
Bình luận (0)