Tag: headless

Tất Cả Bài Viết
Danh Mục
Chủ đề
Mới nhất
Phân Biệt Giữa Monolithic, Headless, Composable và MACH
PHÂN BIỆT GIỮA MONOLITHIC, HEADLESS, COMPOSABLE VÀ MACH

Thương mại điện tử là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng với tổng doanh số bán lẻ toàn cầu năm 2022 đạt 5.7 nghìn tỷ USD và ước tính đạt 6.3 nghìn tỷ USD năm 2023, theo Insider Intelligence. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp cận với những giải pháp kiến trúc thương mại điện tử hiệu quả và linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng về trải nghiệm mua sắm trực tuyến. 

Tuy nhiên, không có một giải pháp kiến trúc nào là hoàn hảo cho tất cả trường hợp. Mỗi kiến trúc có những ưu nhược điểm riêng phù hợp với mục tiêu và nhu cầu khác nhau. Do đó, việc phân biệt giữa các kiến trúc thương mại điện tử là rất quan trọng giúp doanh nghiệp chọn được kiến trúc phù hợp nhất cho mô hình kinh doanh của mình.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về bốn kiến trúc thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay là Monolithic, Headless, Composable và MACH. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ so sánh và đánh giá các kiến trúc này dựa trên các tiêu chí như chi phí, khả năng mở rộng, tùy chỉnh, bảo mật và hiệu suất. 

Kiến trúc Monolithic

Kiến trúc Monolithic hay còn gọi là kiến trúc đơn khối, là một mô hình phát triển thương mại điện tử truyền thống và phổ biến trong thời gian dài. Cách tiếp cận này cho phép toàn bộ website thương mại điện tử được xây dựng như một ứng dụng đồng nhất trên một cơ sở mã nguồn (Codebase) duy nhất.

Điều này có nghĩa là giao diện người dùng (frontend) và logic kinh doanh (backend) được kết hợp và triển khai trên một hệ thống “tất cả trong một”. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến một thành phần thương mại điện tử cụ thể có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của cả hệ thống. 

Ưu điểm:

  • Dễ triển khai: Sử dụng kiến trúc monolithic, doanh nghiệp chỉ cần quản lý một cơ sở mã nguồn (codebase) và một hệ thống cơ sở dữ liệu duy nhất cho toàn bộ hệ thống. Điều này làm cho quá trình triển khai, cập nhật và thay đổi ứng dụng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
  • Hiệu suất: Các thành phần thương mại điện tử kết nối chặt chẽ với nhau nên đối với hệ thống đơn giản và không phức tạp thì kiến trúc Monolithic có thể cung cấp hiểu suất cao

Nhược điểm

  • Khó mở rộng: Kiến trúc monolithic là một khối thống nhất nên việc mở rộng hay tùy chỉnh sẽ khó khăn khi hệ thống phát triển lớn và phức tạp hơn. 
  • Khó bảo trì và cập nhật: Các thành phần trong hệ thống được kết nối chặt chẽ với nhau nên việc duy trì một website theo kiến trúc Monolithic có thể khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thay đổi hoặc cập nhật một thành phần bất kỳ sẽ ảnh hưởng đến những thành phần còn lại và sự vận hành của cả hệ thống. 
  • Hạn chế đổi mới: Kiến trúc thương mại điện tử truyền thống được xem ổn định và đáng tin cậy nhưng với hạn chế về tính mở rộng và tùy chỉnh nên sẽ khó để theo kịp những tiến bộ công nghệ mới nhất. Điều này vô tình cản trở khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với những kỳ vọng mua sắm của khách hàng. 
  • Chi phí tăng dần: Việc triển khai hệ thống Monolithic thường không quá phức tạp và tốn kém nhưng khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoặc tùy chỉnh hay thực hiện các thao tác bảo trì, cập nhật sẽ làm cho chi phí tăng gấp nhiều lần.

Kiến trúc Monolithic có thể được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp triển khai hệ thống thương mại điện tử có quy mô nhỏ, ít phức tạp, mong muốn nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường và chưa có nhu cầu phát triển lớn hơn trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi hệ thống tăng trưởng và phát triển sẽ đòi hỏi tính tùy chỉnh và mở rộng cao hơn nên các kiến trúc Headless hay Composable sẽ phù hợp hơn.

Kiến trúc Headless

Kiến trúc Headless là giải pháp kiến trúc phổ biến trong thương mại điện tử, tại đó giao diện người dùng (frontend) của website thương mại điện tử được tách biệt khỏi hệ thống vận hành phía sau (backend). Kiến trúc Headless thường được gọi là “API-first” vì frontend và backend kết nối với nhau thông qua một lớp API (API layer).

Nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình Headless Commerce để tạo và tùy chỉnh các giao diện người dùng (frontend) nhằm cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm phong phú và liền mạch giữa các kênh khác nhau như website, mobile app, IoT, POS. Các giao diện người dùng này có thể kết nối với một hệ thống backend duy nhất qua lớp API, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh đa kênh và mở rộng quốc tế nhanh chóng. 

Ưu điểm:

  • Tính linh hoạt: Doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ công nghệ và công cụ nào để phát triển frontend để tạo ra giao diện người dùng và trải nghiệm mua sắm tùy chỉnh và độc đáo mà không bị giới hạn bởi các theme có sẵn.
  • Dễ tích hợp: Kết nối và tích hợp với các công cụ và dịch vụ bên thứ ba thông qua API mà không cần viết lại mã nguồn (source code).
  • Hiệu suất cao: Vì frontend và backend hoạt động hoàn toàn độc lập nên doanh nghiệp có thể tối ưu hiệu suất cho cả hai phần để tăng cường hiệu suất cũng như tốc độ tải trang của website thương mại điện tử.
  • Mở rộng cao: Doanh nghiệp dễ dàng tùy chỉnh, thêm hoặc bớt các thành phần của frontend hoặc backend một cách linh hoạt mà không ảnh hưởng đến sự vận hành chung của cả hệ thống. 

Nhược điểm:

  • Triển khai phức tạp: Do frontend và backend tách rời và được phát triển độc lập nên sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với triển khai Monolithic, đồng thời không dễ để đảm bảo tính tương tác và khả năng hoạt động hiệu quả của cả hai phần này.
  • Yêu cầu chuyên môn: Mô hình Headless Commerce cho phép tích hợp liền mạch với công nghệ và hệ thống bên thứ ba. Điều này đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật và kiến thức về API cũng như sự hiểu biết nhất định về các hệ thống.
  • Chi phí cao: Việc sử dụng nhiều dịch vụ bên thứ ba khác nhau đồng nghĩa với chi phí phải trả cũng nhiều bên cạnh chi phí cho đội ngũ phát triển và bảo trì hệ thống.
Phân Biệt Giữa Monolithic, Headless, Composable và MACH - Kiến trúc Headless
Kiến trúc Monolithic và Headless 

Triển khai Headless Commerce có thể phù hợp với các doanh nghiệp đòi hỏi tính linh hoạt để tạo và tuỳ chỉnh nhiều giao diện người dùng khác nhau phục vụ cho mục đích bán hàng đa kênh và mở rộng kinh doanh ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, những doanh nghiệp yêu cầu phát triển độc lập frontend và backend cũng như có nhu cầu tích hợp với nhiều hệ thống bên thứ ba thì nên ưu tiên kiến trúc Headless. 

Kiến trúc Composable

Nếu điểm nổi bật của kiến trúc Headless là việc tách biệt phần frontend và backend mang đến khả năng mở rộng và tuỳ chỉnh linh hoạt thì kiến trúc Composable hay còn gọi là kiến trúc Mô-đun tiến thêm một bước nữa là tách rời tất cả thành phần (component) thương mại điện tử như Tìm kiếm, Thanh toán, Giỏ hàng, v.v. Việc này cho phép doanh nghiệp tuỳ chọn thành phần và đóng gói thành bộ PBC (Packaged Businesses Capabilities) để tạo nên giải pháp xây dựng website thương mại điện tử chuyên biệt và toàn diện. 

Ưu điểm:

  • Linh hoạt cao: Triển khai Composable Commerce cho phép doanh nghiệp tích hợp các component phù hợp nhất với nhu cầu triển khai. Điều này có thể giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển thương mại điện tử mới nhất hiện nay.
  • Tùy chỉnh và mở rộng cao: Các component được phát triển độc lập và khi thay đổi một component bất kỳ sẽ không ảnh hưởng đến những component còn lại. Tương tự cho việc tùy chỉnh và mở rộng cho các component để đáp ứng mục tiêu kinh doanh mà không cần thiết đại trùng tu toàn bộ kiến trúc hệ thống. 
  • Dễ dàng bảo trì: Các component trong hệ thống thương mại điện tử được tách rời và phát triển hoàn toàn độc lập với nhau nên việc bảo trì và cập nhật từng component riêng lẻ sẽ dễ dàng hơn, tránh gián đoạn hoặc tạm ngừng hoạt động của cả hệ thống. 
  • Tránh phụ thuộc nhà cung cấp: Việc có thể linh hoạt tích hợp các component từ nhiều nhà cung cấp khác nhau đã giúp doanh nghiệp triển khai Composable Commerce không bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể. Điều này cho phép doanh nghiệp thay đổi nhà cung cấp cho component bất kỳ bất cứ khi nào muốn, đồng thời cho phép doanh nghiệp tận dụng những công nghệ mới nhất và giải pháp tối ưu nhất cho hệ thống thương mại điện tử của mình. 

Nhược điểm

  • Chi phí cao: Chi phí sử dụng mỗi component là khác nhau vì thế khi tích hợp càng nhiều thì chi phí sẽ càng tăng lên, chưa kể đến chi phí bảo trì cho từng component riêng lẻ.
  • Yêu cầu chuyên môn cao: Triển khai Composable Commerce đòi hỏi kỹ năng,  kiến thức kỹ thuật cao và sự hiểu biết nhất định đối với công nghệ đang sử dụng để quá trình triển khai trở nên nhanh chóng và hiệu quả.
  • Khó quản lý: Sử dụng càng nhiều component đồng nghĩa doanh nghiệp phải làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau và mỗi nhà cung cấp sẽ có giao thức bảo mật và các yêu cầu cần phải tuân thủ nếu muốn sử dụng dịch vụ của họ. Khi hệ thống thương mại điện tử mở rộng quy mô, doanh nghiệp cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo mỗi component được phát triển và mở rộng đồng thời và tương thích, tránh ảnh hưởng để hệ thống. 
Phân Biệt Giữa Monolithic, Headless, Composable và MACH - Kiến trúc Composable
Kiến trúc Headless và Composable

Kiến trúc Composable thích hợp cho các trường hợp doanh nghiệp triển khai dự án lớn, yêu cầu cao về tính linh hoạt và tùy chỉnh, cần tích hợp nhiều dịch vụ và hệ thống bên thứ ba cũng như yêu cầu sự độc lập hoàn toàn giữa các thành phần của hệ thống thương mại điện tử. 

Kiến trúc MACH

Kiến trúc MACH là kiến trúc hiện đại nhất để xây dựng và phát triển website thương mại điện tử linh hoạt vượt trội. Kiến trúc này cho phép doanh nghiệp kết hợp các công nghệ hàng đầu vào một hệ thống duy nhất bao gồm Microservices-based, API-first, Cloud-native và Headless. 

  • M (Microservices-based): Các ứng dụng nhỏ độc lập được phát triển, triển khai và quản lý riêng biệt. Các ứng dụng này được thiết kế để thực hiện một chức năng kinh doanh cụ thể.
  • A (API-first): Tất cả thành phần của hệ thống thương mại điện tử được kết nối qua một giao diện lập trình ứng dụng (API), giúp các thành phần khác nhau hoạt động hiệu quả trên cùng một hệ thống.
  • C (Cloud-native): Quá trình phát triển hệ thống thương mại điện tử được thực hiện trên đám mây, nơi cung cấp một cơ sở hạ tầng có thể mở rộng và các dịch vụ công nghệ được cập nhật tự động bởi nhà cung cấp.
  • H (Headless): Thiết lập Headless cho phép tách biệt giao diện người dùng (frontend) và hệ thống vận hành (backend) để triển khai website thương mại điện tử. Việc này cho phép tạo và tùy chỉnh các trải nghiệm người dùng độc đáo và liền mạch.

Ưu điểm

  • Linh hoạt cao: Doanh nghiệp có thể chọn và thay đổi các công cụ và dịch vụ theo nhu cầu kinh doanh và dễ dàng tùy chỉnh và mở rộng dịch vụ khi có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh.
  • Tích hợp dễ dàng: API là trung tâm của kiến trúc MACH, giúp kết nối dễ dàng với các dịch vụ và ứng dụng bên thứ ba.
  • Hiệu suất và bảo mật cao: Vì doanh nghiệp có thể sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo hiệu suất vận hành của hệ thống, tốc độ tải trang, trải nghiệm người dùng và bảo mật cao.  

Nhược điểm

  • Độ phức tạp cao: Việc phân tách nhiều thành phần và công nghệ khiến quá trình triển khai kiến trúc MACH trở nên phức tạp. Điều này đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm về kỹ thuật cao để đảm bảo triển khai, quản lý và vận hành hệ thống hiệu quả. 
  • Chi phí cao: Việc kết hợp nhiều công nghệ hay tích hợp nhiều dịch vụ bên thứ ba sẽ khiến doanh nghiệp chi trả nhiều khoản phí hơn như phí tích hợp, phí đào tạo hoặc thuê đội ngũ triển khai và các phí liên quan đến bảo trì, cập nhật. 

Kiến trúc MACH sẽ phù hợp với những doanh nghiệp có ngân sách dư dả, muốn triển khai dự án lớn dựa trên 4 công nghệ của MACH và yêu cầu về tính tùy chỉnh và mở rộng cao, đồng thời có sẵn hoặc hợp tác với đơn vị phát triển có chuyên môn cao.

Phân Biệt Giữa Monolithic, Headless, Composable và MACH - Kiến trúc MACH
Phân biệt giữa Monolithic, Headless, Composable và MACH

Monolithic, Headless, Composable và MACH: Đâu là lựa chọn tối ưu?

Trên đây là tóm lược về bản chất của bốn kiến trúc triển khai website thương mại điện tử: Monolithic, Headless, Composable và MACH. Nếu Monolithic có vẻ lỗi thời và tồn đọng nhiều hạn chế thì kiến trúc Composable và MACH mới mẻ, mang đến giải pháp phát triển tối ưu và linh hoạt hơn rất nhiều nhưng quá trình triển khai và vận hành lại phức tạp, yêu cầu đội ngũ phát triển phải có chuyên môn cao. Do đó, Headless trở thành giải pháp kiến trúc sáng giá so với ba sự lựa chọn còn lại để triển khai website thương mại điện tử ở thời điểm hiện tại. 

Headless Commerce là giải pháp phổ biến nhất hiện nay với nhu cầu triển khai Headless Commerce tăng 25% trong vòng 2 năm qua. Triển khai Headless cho phép doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm người dùng tùy chỉnh và đa kênh bằng cách tích hợp với những công cụ và công nghệ hàng đầu. Để phát triển Headless Commerce hiệu quả, doanh nghiệp cần hợp tác với đơn vị phát triển có kỹ năng và chuyên môn cao cũng như một chiến lược bài bản. 

Với kinh nghiệm về kỹ thuật lâu năm và chuyên môn cao trong lĩnh vực thương mại điện tử, SECOMM đã tư vấn và triển khai Headless Commerce thành công cho những doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Suzuverse dựa trên một trong hai giải pháp của Shopify đó là: 

  • Shopify Hydrogen + Oxygen: Bộ giải pháp vượt trội bao gồm framework Hydrogen dựa trên React và hosting Oxygen giúp doanh nghiệp triển khai website thương mại điện tử theo kiến trúc Headless nhanh chóng và hiệu quả. 
  • Commerce Components: Bộ techstack mới đột phá được phát triển dành riêng cho doanh nghiệp lớn triển khai Headless Commerce hoặc Composable Commerce. Giải pháp này cho phép doanh nghiệp kết hợp những ‘components’ độc lập để tùy chỉnh và tăng cường trải nghiệm thương mại điện tử.

Liên hệ SECOMM hoặc gọi trực tiếp vào hotline (02871089908) để khám phá cách chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của Headless Commerce và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử. 

2
6,736
0
1
27/10/2023
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)
10 NỀN TẢNG HEADLESS CMS DÀNH CHO DOANH NGHIỆP LỚN (P2)

Xu hướng triển khai Headless CMS bao trùm thị trường Thương mại điện tử những năm gần đây, vậy nên sự ra đời của hàng loạt nền tảng với đa dạng giải pháp, đa dạng tính năng, vượt trội về dịch vụ chăm sóc khách hàng là điều có thể lý giải. 

Nối tiếp phần 1, sau đây là 5 nền tảng Headless CMS cũng được rất nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng để tối ưu hoá quy trình phân phối nội dung đa kênh liền mạch.

Kontent.ai

Kontent.ai là nền tảng Headless CMS đám mây giúp các nhà tiếp thị tạo và quản lý nội dung dễ dàng, các nhà phát triển có thể cung cấp trải nghiệm số tương thích trên nhiều thiết bị. Nền tảng hỗ trợ các nhà phát triển với các API bao gồm REST, GraphQL, Management v2, Custom Element JavaScript. Đồng thời Kontent.ai được hỗ trợ chạy trên các ngôn ngữ lập trình như JavaScript, .NET, PHP, Java, Ruby và ngôn ngữ iOS.

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Kontent.ai
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2): Kontent.ai

Tính năng nổi bật

  • Webhooks cho phép doanh nghiệp tích hợp Kontent.ai với các ứng dụng khác và tự động hóa quy trình vận hành. Hơn nữa, Webhooks có thể được lập trình để thông báo khi có bất kỳ sự thay đổi nào xảy ra. 
  • Giao diện CLI (command-line interface) của Kontent.ai hỗ trợ việc tự động hoá quy trình tích hợp và triển khai liên tục (CI/CD process) cho phép doanh nghiệp thử nghiệm và triển khai các thay đổi cần thiết một cách an toàn và thường xuyên.
  • Cộng tác theo thời gian thực (real-time collaboration) giúp tối ưu việc lập kế hoạch nội dung với nhiệm vụ công việc được phân công rõ ràng, lịch xuất bản được chia sẻ để mọi người trong nhóm tiện theo dõi. 
  • Simultaneous Editing cho phép nhiều thành viên trong nhóm dễ dàng chỉnh sửa nội dung mà không cần lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc của những thành viên khác.
  • Web Spotlight hỗ trợ tạo mới các webpages cho chiến dịch marketing sắp diễn ra, thêm nội dung, sắp xếp lại các thành phần của trang mà không cần sự trợ giúp từ các nhà phát triển, đồng thời cung cấp hỗ trợ tái sử dụng nội dung trên nhiều kênh và chiến dịch. 

Ưu điểm

  • Dịch vụ hỗ trợ (customer support) nhanh chóng các vấn đề liên quan đến kỹ thuật
  • Tích hợp liền mạch với dịch vụ bên thứ 3 để tối ưu quá trình tạo, xuất bản và phân phối nội dung cũng như các hoạt động marketing. 

Nhược điểm

  • Hạn chế vai trò của người dùng (user roles) và việc cài đặt các plugins đôi khi gặp trở ngại
  • Không công khai bảng giá gây khó khăn khi doanh nghiệp ước tính chi phí triển khai
  • Giao diện admin UI chỉ hỗ trợ tiếng Anh, gây khó khăn cho người dùng sử dụng những ngôn ngữ khác. 

Chi phí

Kontent.ai cung cấp cho doanh nghiệp 3 gói giải pháp 

  • Developer: Miễn phí, cung cấp những tính năng hỗ trợ cho những dự án không mang tính thương mại.
  • Scale: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu, cung cấp bộ tính năng phong phú để doanh nghiệp tạo và phân phối nội dung hấp dẫn.
  • Enterprise: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu, cung cấp các giải pháp vượt trội để cung cấp và quản lý trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch.
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Khách hàng của Kontent.ai
Các thương hiệu sử dụng Kontent.ai: Vogue, Agolia, Skoda, Kramp, IDEA StatiCa, a2 Milk, Hartlauer, PetCulture, Dentsu, American Bath Group, Đại học Oxford, v.v

Contentstack

Contentstack là nền tảng Headless CMS nổi bật giúp doanh nghiệp phân phối nội dung liền mạch trên nhiều kênh và thiết bị bao gồm websites, ứng dụng di động, các thiết bị IoT, v.v. Nền tảng hỗ trợ các framework phổ biến bao gồm REACT, Vue.js, Angular và các ngôn ngữ lập trình như JavaScript, PHP, Ruby, Python, v.v. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tích hợp Contentstack với các nền tảng như BigCommerce, Commercetools, Shopify, Youtube, Vimeo, v.v

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Contentstack
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2): Contentstack

Tính năng nổi bật

  • Workflow & Live Preview: Tối ưu hoá và đẩy nhanh tốc độ tạo, xem xét, phê duyệt và xuất bản nội dung. Đồng thời giúp doanh nghiệp dễ dàng xem trước các thay đổi nội dung theo thời gian thực trên nhiều kênh trước khi lưu hoặc xuất bản. 
  • Modular Blocks: Doanh nghiệp có thể tạo, thay đổi các thành phần trên website, app ngay lập tức bằng thao tác kéo & thả đơn giản mà không cần phụ thuộc vào sự trợ giúp của các nhà phát triển.
  • Localization: Hỗ trợ doanh nghiệp tạo và xuất bản nội dung với 200 ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu phân phối nội dung đến người dùng toàn cầu một cách liền mạch. 
  • Contentstack AI Assistant: Nâng cao trải nghiệm sáng tạo nội dung với công nghệ AI của Contentstack. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tích hợp Contentstack với các ứng dụng AI khác để cung cấp trải nghiệm VR, AR.
  • Headless APIs: Với Contentstack, doanh nghiệp có thể linh hoạt xây dựng giao diện và chọn API phù hợp với mục tiêu về nội dung. 

Ưu điểm

  • Hỗ trợ đa dạng nền tảng và ngôn ngữ lập trình bao gồm cả iOS và Ruby.
  • Tài nguyên học tập phong phú và tài liệu hướng dẫn dễ hiểu và dễ áp dụng theo.
  • Tốc độ tạo, xuất bản và phân phối nội dung nhanh. 
  • Có chatbot sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7.

Nhược điểm

  • Chi phí không được công khai gây khó khăn trong việc ước tính chi phí triển khai
  • Trình chỉnh sửa WYSIWYG đôi khi bị lỗi
  • Được đánh giá là khá phức tạp để triển khai so với các Headless CMS khác. 

Chi phí

Contentstack cung cấp cho doanh nghiệp 3 gói giải pháp bao gồm:

  • Start: 10 người dùng, 30 loại nội dung (content types), 4 vai trò hệ thống (roles)
  • Grow: 10 người dùng, 50 loại nội dung (content types), 5 vai trò hệ thống (roles)
  • Scale: 10+ người dùng, không giới hạn loại nội dung và vai trò hệ thống

Những thương hiệu sử dụng Contentstack: CHASE, Burberry, Cartier, Berlitz, Goftbreaks, Mitsubishi Electric, Icelandair, Dawn, Elastic, Exxact, K2 Sport, Miami Heat, Photobox, Wavin, Shell, v.v

dotCMS

dotCMS là một Headless CMS mã nguồn mở dựa trên Java, cung cấp nhiều giải pháp và tính năng cho phép doanh nghiệp tạo và tái sử dụng nội dung để xây dựng trải nghiệm số theo cách cá nhân hoá hấp dẫn và liền mạch giữa các kênh. dotCMS hỗ trợ các API như REST và GraphQL và có thể tích hợp với các nền tảng như HubSpot, Google Analytics, Salesforce, v.v

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-dotCMS
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2): dotCMS

Tính năng nổi bật

  • Cho phép doanh nghiệp quản lý quy trình tạo, xuất bản nội dung đa ngôn ngữ với khả năng hỗ trợ bản địa hoá giúp xuất bản theo giờ địa phương và đúng theo lịch đã cài đặt trước đó. 
  • Toàn quyền quản lý, kiểm soát nội dung, bố cục và quy trình thông qua các API và chuỗi dữ liệu JSON. 
  • Trình chỉnh sửa WYSIWYG (What You See Is What You Get) cho phép doanh nghiệp tạo nội dung với định dạng giống như trình xử lý văn bản.
  • Cung cấp API xử lý hình ảnh cho phép doanh nghiệp thay đổi kích thước, cắt xén và thao tác với hình ảnh trong thời gian thực. Ngoài ra, dotCMS còn hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hình ảnh phù hợp với thiết bị của người dùng như tự động thay đổi kích thước, nén hình ảnh với định dạng WebP. 

Ưu điểm

  • Cho phép doanh nghiệp tuỳ chỉnh nội dung và tích hợp với các nền tảng khác
  • Cung cấp nguồn tài nguyên học tập và hỗ trợ kỹ thuật phong phú
  • Hỗ trợ khách hàng nhanh chóng với chatbot

Nhược điểm

  • Nhiều khái niệm và tính năng nên sẽ làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian để nắm bắt
  • Nền tảng thỉnh thoảng xảy ra lỗi

Chi phí

dotCMS cung cấp cho người dùng 3 gói giải pháp để lựa chọn bao gồm:

  • Open Source: Miễn phí, dành cho cá nhân với nhu cầu đơn giản và tự chủ về hosting.
  • Starter: $3,750/tháng, dành cho doanh nghiệp nhỏ.
  • Enterprise: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu, dành cho các doanh nghiệp quy mô từ vừa đến lớn với nhiều tính năng và ứng dụng hỗ trợ vượt trội.

Những thương hiệu sử dụng dotCMS: Telecom, Estes, Worldline, Dairy Queen, Lennox International, RBC Royal Bank, Vodafone, HCA Healthcare, v.v

Butter CMS

Butter CMS là  nền tảng Headless CMS giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quy trình phát triển và quản lý nội dung. Nền tảng hỗ trợ các framework như React, Vue.js, Node.js, Angular,… và đa dạng ngôn ngữ lập trình như PHP, Python, Java, Swift, Kotlin, Ruby, v.v

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Butter CMS
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2): Butter CMS

Tính năng nổi bật

  • Developer experience: Butter cung cấp đa dạng tech stack để các nhà phát triển chọn triển khai theo nhu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cấu hình Webhooks trong phần thiết lập tài khoản để nhận thông báo cho bất kỳ sự thay đổi liên quan đến nội dung. Đặc biệt với One-click Migrations, doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo schema, hoặc di chuyển nội dung bên trong môi trường của Butter CMS thông qua bảng điều khiển (dashboard).
  • Launch Content Faster: Butter cung cấp tính năng hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng quản lý Content Types trên một bảng điều khiển tập trung (centralized dashboard) cũng như xây dựng landing pages để thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên hoặc từ quảng cáo. Ngoài ra, Blog Engine của Butter CMS cung cấp bộ API để doanh nghiệp thêm blog vào website và tự do tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu (fully customized blog).
  • Localization: Doanh nghiệp có thể tạo và xuất bản nội dung đa ngôn ngữ. Hơn nữa, các quản trị viên có quyền truy cập theo ngôn ngữ vào thị trường bản địa cụ thể, giúp quá trình hợp tác làm việc giữa các nhóm nhà tiếp thị toàn cầu diễn ra đồng nhất. 

Ưu điểm

  • Là một trong những nền tảng dễ sử dụng đối với các nhà phát triển và nhà tiếp thị nội dung.
  • Cung cấp giải pháp headless CMS cho nhiều nhu cầu nội dung bao gồm: giải pháp cho doanh nghiệp thương mại điện tử; cho các agency; cho doanh nghiệp SaaS; cho sàn thương mại điện tử; cho những doanh nghiệp phải quản lý nhiều website cùng lúc. 
  • Khả năng tùy chỉnh vượt trội.
  • Cung cấp hỗ trợ tích hợp với nhiều framework, ngôn ngữ lập trình, v.v
  • Cung cấp chatbot để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
  • Cung cấp cho doanh nghiệp dùng thử 30 ngày.

Nhược điểm

  • Nhiều tính năng và khái niệm nhưng thiếu video hướng dẫn dẫn đến khó hiểu và khó áp dụng
  • Hạn chế tính năng để tạo nội dung động và tương tác 

Chi phí

Butter CMS cung cấp cho doanh nghiệp với đa dạng các gói giải pháp bao gồm:

  • Micro: $83/tháng, dành cho freelancer triển khai dự án nhỏ cho khách hàng của họ
  • Startup: $166/tháng, dành cho các startup để nhanh chóng đưa dự án ra thị trường
  • Small Business: $333/tháng, dành cho doanh nghiệp trên đà phát triển với nhu cầu mở rộng quy mô nội dung và chạy quảng cáo phạm vi toàn cầu. 
  • Enterprise + Agency: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu

 

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Khách hàng của Butter CMS
Những startup, agency, doanh nghiệp đang sử dụng Butter CMS: Remodel Software, MD Hearing, Qatalog, Realty Austin, Skylight, Freddie’s Flowers, KeyMe, Scripted, Lambda, PickFu,..

Builder.io

Builder.io là nền tảng Headless CMS cho phép doanh nghiệp xây dựng và tối ưu hóa trải nghiệm web và thiết bị di động một cách trực quan. Nền tảng hỗ trợ các nhà phát triển với các framework như React, Vue.js, Gatsby, Next.js. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tích hợp Builder.io với các nền tảng phổ biến như Shopify, BigCommerce, Salesforce, Magento, Cloudinary, Yotpo, Commercetools, v.v

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Builder.io
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2): Builder.io

Tính năng nổi bật

  • Integrate: Cung cấp khả năng tích hợp đa dạng và cùng lúc. Ví dụ Crowdin, Phrase, Smartling để triển khai bản địa hoá nội dung; BigCommerce, Shopify, Magento để triển khai thương mại điện tử; Figma để thiết kế. Thậm chí Builder.io có thể tích hợp với một số CMS khác như Contentstack, Contentful, Kontent.ai.
  • Compose: Sử dụng các tác vụ kéo & thả để tuỳ chỉnh hệ thống thiết kế có sẵn. Ngoài ra, Builder.io cung cấp các blocks như text, image, video, form để người dùng dễ dàng tạo ra trải nghiệm tùy chỉnh ngoài những thiết kế mặc định có sẵn của hệ thống.
  • Design: Cung cấp khả năng thiết kế đáp ứng để người dùng tùy chỉnh nội dung và layout phù hợp với các thiết bị khác nhau, tạo các animation mà không cần code. Ngoài ra, Builder.io hỗ trợ người dùng tích hợp bản thiết kế với Figma để tối ưu việc thiết kế. 
  • Collaborate: Dễ dàng tùy chỉnh vai trò hệ thống và phân quyền (roles & permissions) nhằm nâng cao khả năng cộng tác và theo dõi quá trình tạo nội dung theo thời gian thực. Các thành viên trong nhóm có thể mở đoạn chat để thảo luận, chia sẻ ý tưởng và cập nhật tiến độ làm việc với nhau. 
  • Optimize: Dễ dàng tạo nhiều trang và nội dung khác nhau để tiến hành A/B testing mà không lo làm chậm hiệu suất của website và app. Hỗ trợ tạo nội dung cá nhân hóa hướng đến đúng đối tượng mục tiêu. Đồng thời cung cấp các phân tích về tỷ lệ nhấp chuột, chuyển đổi cũng như cách người dùng tương tác với nội dung được xuất bản và doanh nghiệp có thể tích hợp dữ liệu với các hệ thống phân tích khác như BI (Business Intelligence), CDP (Customer data platform).

Ưu điểm

  • Nền tảng thân thiện với cả nhà phát triển và người dùng không có kinh nghiệm về kỹ thuật 
  • Cung cấp khả năng tích hợp nhanh chóng, liền mạch với nhiều framework, ngôn ngữ lập trình, v.v
  • Cung cấp nhiều tùy chọn để doanh nghiệp tối ưu thiết kế và sáng tạo nội dung
  • Tài liệu học tập phong phú và có video hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng
  • Cung cấp chatbot để giải đáp thắc mắc của khách hàng

Nhược điểm

  • Không cung cấp dùng thử cho các gói giải pháp
  • Nền tảng khá mới nên khó để doanh nghiệp tìm kiếm các đánh giá về trải nghiệm của người dùng thực trên các diễn đàn 

Chi phí

Builder.io cung cấp cho doanh nghiệp đa dạng các gói giải pháp như:

  • Free: $0/tháng, triển khai nhanh chóng
  • Basic: $99/tháng bao gồm tất cả công cụ và tính năng cơ bản để bắt đầu
  • Growth: $449/tháng bao gồm tất cả công cụ và tính năng để tối ưu và tăng trưởng
  • Enterprise: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu 
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P2)-Khách hàng của Builder.io
Những thương hiệu đang sử dụng Builder.io: Afterpay, Nuts.com, Everlane, Lovevery, Vistaprint, Gift Free, Zapier, PetLabCo., Chubbies, Alo Yoga, Fabletics, Shopstyle, Airup, v.v.

Vậy là tổng hợp của SECOMM về 10 nền tảng Headless CMS (P1+P2) đã khép lại với hy vọng doanh nghiệp sẽ chọn được nền tảng phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Bằng cách triển khai Headless CMS, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập sự hiện diện trực tuyến và tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng thông qua nội dung hấp dẫn được phân phối một cách hiệu quả. 

Liên hệ SECOMM hoặc gọi trực tiếp đến Hotline (02871089908) để được tư vấn và triển khai Headless CMS.

2
6,127
0
1
12/06/2023
10 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)
10 NỀN TẢNG HEADLESS CMS DÀNH CHO DOANH NGHIỆP LỚN (P1)

Thị trường Headless CMS năm 2022 được định giá khoảng 592.43 triệu USD và dự kiến sẽ đạt 672.09 triệu USD vào cuối năm 2023. Số liệu này không gây ngạc nhiên bởi Headless CMS đã trở nên phổ biến những năm gần đây vì mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Trong số đó phải kể đến chi phí hợp lý; khả năng phân phối và tái sử dụng nội dung đa kênh; khả năng tùy chỉnh và tính linh hoạt cao đối với bất kỳ công nghệ và framework nào được sử dụng; cấu trúc không lỗi thời có thể tích hợp với dịch vụ bên thứ ba và thích ứng tốt với công nghệ mới sau này. 

Những lợi ích kể trên đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai Headless CMS để nâng cao hơn nữa sự hiện diện trực tuyến của mình. Tuy nhiên, việc quan trọng đầu tiên cần làm là chọn ra một nền tảng phù hợp nhất trong vô số nền tảng vượt trội ngoài kia. 

Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 10 nền tảng Headless CMS hàng đầu với tính năng nổi bật cùng ưu nhược điểm để doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn. 

Sanity

Sanity là một trong những Headless CMS dựa trên đám mây cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ để tạo, chỉnh sửa, tổ chức và xuất bản nội dung. Với tính linh hoạt và khả năng mở rộng cao, nền tảng phù hợp với nhiều dự án từ đơn giản đến phức tạp. Sanity hỗ trợ các nhà phát triển với các framework như React, Vue, Next.js, Nust.js, Remix, Svelte, Eleventy, Gatsby v.v. Ngoài ra, Sanity còn hỗ trợ đa dạng ngôn ngữ lập trình bao gồm JavaScript, PHP, Rust, v.v và cho phép doanh nghiệp tích hợp dễ dàng với các nền tảng như Shopify, BigCommerce, Algolia, Commerce Layer, Mux, Cloudinary, Transifex, v.v. 

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Sanity
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1): Sanity

Tính năng nổi bật

  • Cộng tác theo thời gian thực (real-time collaboration), trực tiếp quá trình chỉnh sửa nội dung của nhiều người dùng (live multi-user editing). 
  • Môi trường chỉnh sửa linh hoạt, hỗ trợ chỉnh sửa trên nhiều thiết bị và lên lịch phát hành nội dung hoặc bản cập nhật ứng dụng
  • Định dạng Portable Text cho phép dễ dàng tạo và quản lý nội dung phức tạp với dữ liệu nhúng (embedded data)
  • Kết nối các dịch vụ, giao diện người dùng, ứng dụng, tập lệnh (scripts), thiết bị với Sanity API. Truy vấn nội dung bằng GROQ hoặc GraphQL.  
  • Sanity Content Lake là nơi lưu trữ nội dung chạy trên đám mây và được quản lý hoàn toàn bởi Sanity. Doanh nghiệp có thể truy cập bằng các cách: thông qua Sanity API, sử dụng các client libraries của Sanity hoặc trực tiếp hơn bằng cách thông qua HTTP API.

Ưu điểm

  • Sự linh hoạt của Sanity cho phép doanh nghiệp thiết lập cấu trúc nội dung theo nhu cầu cụ thể. 
  • Giao diện quản lý nội dung có thể tuỳ chỉnh để phù hợp với đặc trưng thương hiệu, mang đến trải nghiệm người dùng nhất quán giữa các kênh 
  • Avatar của người đang xem nội dung chỉnh sửa sẽ được hiển thị và toàn bộ quá trình tạo, chỉnh sửa nội dung của các người dùng đều có thể theo dõi trực tiếp. Điều này nâng cao hiệu quả làm việc nhóm
  • Sanity là nền tảng thân thiện với nhà phát triển, cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ và API và các framework frontend giúp dễ dàng xây dựng, tuỳ chỉnh và tích hợp.

Nhược điểm

  • Bên cạnh chi phí trong bảng giá, chi phí triển khai Sanity sẽ tăng lên tuỳ vào nhu cầu cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ trả thêm chi phí để tích hợp plugin Mux cho mục đích quản lý các nội dung video.
  • Nhiều tính năng và khái niệm chuyên môn đòi hỏi người dùng dành nhiều thời gian và nỗ lực để hiểu và triển khai

Chi phí

Sanity cung cấp 4 gói giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn:

  • Free Forever: cung cấp 3 quyền truy cập không phải admin
  • Team: $99/tháng/dự án, dành cho doanh nghiệp nhỏ, cung cấp 10 quyền truy cập không phải admin
  • Business: $949/tháng/dự án, dành cho doanh nghiệp vừa, cung cấp 20 quyền truy cập không phải admin
  • Enterprise: giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu, dành cho doanh nghiệp quy mô lớn, cung cấp không giới hạn quyền truy cập người dùng. 
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Khách hàng của Strapi
Các thương hiệu sử dụng Sanity bao gồm Nike, Puma, Figma, Loom, Netlify, reMarkable, Movember, Morning Brew, Aether, DataStax, Cloudflare, Brex, Condé Nast, SKIMS, v.v

Storyblok

Storyblok là Headless CMS ưu tiên API cho phép doanh nghiệp tạo, quản lý và phân phối nội dung đến các kênh một cách liền mạch. Phần mềm cung cấp giao diện thân thiện với người dùng cho phép các nhà tiếp thị nội dung dễ dàng quản lý và tùy chỉnh nội dung mà không cần nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật. Storyblok hỗ trợ các nhà phát triển với nhiều APIs như GraphQL, Management API, Content Delivery API và framework bao gồm React, Vue.js, Angular, Nuxt.js, Next.js, Gatsby. 

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Storyblok
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1): Storyblok

Tính năng nổi bật

  • Hỗ trợ trực quan hoá quy trình cộng tác, tạo và chỉnh sửa nội dung với tính năng Visual Editor và Collaboration tools.
  • Quản lý tất cả nội dung từ văn bản, hình ảnh, video dễ dàng với trình quản lý nội dung kỹ thuật số (Digital Asset Manager) có tính năng gắn thẻ nâng cao và tổ chức phân cấp thư mục. 
  • Tính năng Kết hợp thành phần (Composable Component) của Storyblok có thể chuyển đổi các template cứng nhắc thành các thành phần động, linh hoạt có thể tích hợp và tái sử dụng trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào. 
  • Bản địa hoá (Localization) cho phép phân phối nội dung đa ngôn ngữ đến các thị trường quốc tế

Ưu điểm

  • Tính linh hoạt và tùy chỉnh cao cho phép doanh nghiệp thêm hoặc bớt tính năng dựa trên nhu cầu thực tế. 
  • Storyblok cung cấp tài liệu chuyên sâu cho mọi chủ đề, giúp các nhà phát triển tìm hiểu cách sử dụng các tính năng và triển khai dịch vụ.

Nhược điểm

  • Đơn vị tiền tệ của bảng giá là EUR thay vì USD
  • Giao diện Visual Editor đôi khi bị lag
  • Băng thông sử dụng mỗi tháng hạn chế và sẽ cần mua thêm với chi phí khá cao. 

Chi phí

Storyblok cung cấp cho doanh nghiệp với đa dạng các gói giải pháp bao gồm:

  • Community: Miễn phí vĩnh viễn bao gồm 1 tài khoản đăng ký trên 1 người dùng (user seat).
  • Entry: €99/tháng, 5 người dùng đăng ký (user), tối đa 30 tài khoản đăng ký trên 1 người dùng (user seat). Phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, startup vừa bắt đầu tiếp cận đến hệ thống quản lý nội dung. 
  • Teams: €449/tháng, 10 người dùng đăng ký (user), tối đa 40 tài khoản đăng ký trên 1 người dùng (user seat). Phù hợp với doanh nghiệp trên đà phát triển có nhu cầu nâng cao khả năng phân phối nội dung. 
  • Enterprise: €2,999/tháng, 30 người dùng đăng ký (user) và không giới hạn việc bổ sung tài khoản đăng ký trên 1 người dùng (user seat). Khả năng bảo mật và mở rộng cao với nhiều tính năng vượt trội dành cho doanh nghiệp lớn.
  • Enterprise Plus: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu với tiêu chuẩn bảo mật và mở rộng ở mức cao nhất trong các gói giải pháp.
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Khách hàng của Storyblok
Những thương hiệu sử dụng Storyblok: Adidas, Netflix, Tesla, Pizza Hut, Raleigh, Saint Laurent, ProWritingAid, Mindvalley, Damen Shipyards, Oatly, Claro, Marc O’Polo, Xlash, Panini, v.v

Contentful

Contentful là Headless CMS ưu tiên API với tính linh hoạt và khả năng mở rộng cao, cho phép doanh nghiệp tạo quản lý và phân phối nội dung trên nhiều kênh và thiết bị một cách liền mạch bao gồm websites, apps, các thiết bị IoT, v.v. Nền tảng hỗ trợ đa dạng các API như REST, GraphQL, Content Management API, Content Delivery API, Content Preview API, v.v

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Contentful
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1): Contentful

Tính năng nổi bật

  • Tạo dự án nhanh chóng theo nhu cầu với các templates tùy chỉnh, dựa trên framework Next.js và Contentful CMS (website thương mại điện tử, website blog).
  • Sử dụng Content Apps hoặc tích hợp với các ứng dụng bên thứ ba để xây dựng quy trình sản xuất và xuất bản nội dung tối ưu. 
  • Bản địa hoá nội dung cho chiến lược marketing toàn cầu.
  • Nhanh chóng xem xét, phê duyệt và lên lịch xuất bản hàng loạt nội dung quan trọng cùng một lúc như ra mắt sản phẩm, quảng cáo, rebranding.

Ưu điểm

  • Giao diện thân thiện và dễ sử dụng. 
  • Cung cấp nhiều hỗ trợ và tài nguyên học tập cho các nhà phát triển nâng cao kỹ năng phục vụ cho các dự án phức tạp. 
  • Nhiều công cụ hỗ trợ teamwork hiệu quả như Compose app, Launch app và Workflow app. 

Nhược điểm

  • Hạn chế tính năng xem trước và chỉnh sửa hình ảnh. 
  • Tuỳ vào gói subscription, doanh nghiệp sẽ được cung cấp không gian (space) để sử dụng, bao gồm nhiều thành phần (items). Khi đã sử dụng đến mức giới hạn của mỗi thành phần, doanh nghiệp có 2 lựa chọn: xoá bớt items để duy trì không gian sử dụng hoặc nâng cấp không gian. Điều này gây nhiều phiền toái và có thể sẽ phát sinh thêm chi phí. 

Chi phí

Contentful hiện cung cấp 3 gói giải pháp:

  • Free: Dành cho các nhà phát triển xây dựng dự án cá nhân; 1 giấy phép không gian (space license); tối đa 5 người dùng; không hỗ trợ nâng cấp hoặc mua thêm không gian
  • Basic: $300/tháng bao gồm 1 giấy phép không gian; dành cho đội nhóm xây dựng website hoặc app; tối đa 20 người dùng; hỗ trợ nâng cao không gian lên bản Medium với chi phí bổ sung là $350/tháng.
  • Premium: Dành cho doanh nghiệp lớn; giá tính theo năm tuỳ chỉnh theo nhu cầu cụ thể bao gồm 2 giấy phép không gian; cho phép số lượng người dùng lên đến hàng ngàn; hỗ trợ nâng cao không gian lên bản Medium, Large hoặc mở rộng không gian Premium với khoản phí bổ sung 
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Khách hàng của Contentful
Các thương hiệu hàng đầu thế giới sử dụng Contentful bao gồm: Notion, DocuSign, Danone, Shiseido, Equinox, Aldo, Xoom, Murad, Mailchimp, Intercom, v.v

Strapi

Strapi là Headless CMS mã nguồn mở dựa trên JavaScript với khả năng hỗ trợ tùy chỉnh và mở rộng cao. Strapi hỗ trợ các nhà phát triển với rất nhiều API như REST, GraphQL, Entity Service, Query Engine APIs, v.v. Đồng thời các nhà phát triển có thể tích hợp với các framework bao gồm Vue.js, Angular, React, Next.js, Eleventy, Svelte, v.v

Ngoài ra, với giao diện thân thiện và dễ sử dụng đối với phần lớn người dùng, Strapi hỗ trợ các nhà tiếp thị nội dung tạo, cập nhật và xuất bản nội dung nhanh chóng mà không cần kỹ năng lập trình, loại bỏ sự phụ thuộc vào các nhà phát triển. Hơn nữa, Strapi nổi bật với khả năng Omnichannel giúp phân phối nội dung đến tất cả các kênh như websites, apps, thiết bị IoT.  

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Sanity
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1): Sanity

Tính năng nổi bật

  • Hỗ trợ đa cơ sở dữ liệu (multi database) với SQLite, MongoDB, MySQL và Postgres
  • Một ngôn ngữ lập trình duy nhất – JavaScript từ frontend đến backend
  • Khả năng Omnichannel hỗ trợ phân phối nội dung đa kênh liền mạch
  • Hỗ trợ không giới hạn các API, loại nội dung, người dùng admin panel, v.v
  • Webhooks giúp kết nối Strapi app với những ứng dụng khác để thông báo khi có bất kỳ sự kiện nào xảy ra, đặc biệt hữu ích để thông báo với ứng dụng bên thứ ba về việc bắt đầu quy trình như tích hợp liên tục (CI), xây dựng (Build), triển khai (Deployment)
  • Quốc tế hoá với framework i18n cho phép tạo dự án đa ngôn ngữ, đa địa điểm một cách không giới hạn. 

Ưu điểm

  • Tích hợp liền mạch với Node JS
  • Tuỳ chỉnh API dễ dàng
  • Dễ dàng mở rộng và xử lý lượng truy cập lớn
  • Giao diện người dùng (UI) trực quan và dễ sử dụng
  • Đa dạng tài nguyên học tập 

Nhược điểm

  • Không hỗ trợ phiên bản nâng cao hơn của JavaScript là TypeScript
  • Hạn chế số lượng tài khoản đăng ký trên một người dùng theo từng gói giải pháp
  • Nhiều tính năng và khái niệm chuyên môn đòi hỏi người dùng dành nhiều thời gian và nỗ lực để hiểu và triển khai

Chi phí

Strapi cung cấp 4 gói giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn bao gồm:

Self-hosted (doanh nghiệp tự chủ về hosting)

  • Community Edition: Miễn phí vĩnh viễn
  • Enterprise Edition: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu

Cloud (Strapi cung cấp hosting)

  • Pro: $99/tháng/dự án, dùng thử 14 ngày miễn phí
  • Team: $499/tháng/dự án, dùng thử 14 ngày miễn phí
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Khách hàng của Sanity
Những doanh nghiệp hàng đầu hiện đang sử dụng Strapi bao gồm: IBM, Toyota, Walmart, NASA, Mug & Snug, Delivery Hero, Societe Generale, Kyivstar, Finary, Tesco, Glean, Mindgym, v.v

Hygraph

Hygraph là một nền tảng liên kết nội dung (federated content platform) cho phép việc tích hợp dữ liệu nội dung từ các nguồn và backend khác nhau vào một kho lưu trữ duy nhất thông qua GraphQL API mà không cần phải di chuyển nội dung hay tạo ra nhiều bản sao của nội dung đó. Điều này mang lại sự khác biệt trong cơ chế hoạt động của Hygrapha so với các nền tảng Headless CMS còn lại.

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Content Federation
Hygraph: Content Federation

Headless CMS vs Federated Content Platform

Headless CMS tách biệt hệ thống quản lý nội dung backend với giao diện người dùng frontend giúp phân phối nội dung đến bất kỳ kênh kỹ thuật số nào. Tuy nhiên, dần theo xu hướng phát triển của công nghệ, các nhà cung cấp CMS tìm cách đẩy tất cả dữ liệu nội dung vào hệ thống CMS, gọi là Content Hub, sau đó tiến hành phân phối nội dung.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách thức này là các nhà phát triển phải liên tục đồng bộ dữ liệu và việc này đôi khi không đảm bảo tính trung thực của dữ liệu khi được phân phối đến các kênh. Khi đó, Federated Content Platform mang đến giải pháp thiết thực bằng cách tích hợp và lưu trữ nội dung, dữ liệu từ bất kỳ hệ thống thứ ba nào thông qua GraphQL API hoặc REST API và sau đó sẽ phân phối dữ liệu nguyên bản đến các kênh. 

5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Federated Content Platform
Hygraph: Federated Content Platform

Xét lại trường hợp của Hygraph, dữ liệu từ các nguồn sẽ tích hợp và lưu trữ trong Hygraph – đóng vai trò là cổng API, mọi sự thay đổi về dữ liệu nguyên bản sẽ được cập nhật tại Hygraph và được phân phối đến một hoặc nhiều frontend. Người dùng Hygraph có thể truy cập vào dữ liệu cập nhật từ nhiều nguồn nhưng không thể chỉnh sửa nên sẽ tránh được việc có quá nhiều phiên bản dữ liệu.

Tính năng nổi bật

  • Schema Builder: cung cấp cho các nhà phát triển, nhà tiếp thị nội dung các công cụ dễ sử dụng để tạo các template cho nhu cầu đa dạng về nội dung của doanh nghiệp. 
5 Nền Tảng Headless CMS Dành Cho Doanh Nghiệp Lớn (P1)-Schema Builder
Hygraph: Schema Builder
  • Custom Roles & Permissions: Được thiết lập bởi Quản trị viên (Admin) và Chủ sở hữu (Owner) dự án, dễ dàng kiểm soát theo nhu cầu những gì người dùng (user) có thể nhìn thấy ngoài vai trò của họ trong hệ thống.
    Sẽ có nhiều vai trò khác nhau trong hệ thống (System Roles) nhưng cơ bản bao gồm Owner, Admin, Developer, Editor, Contributor. Trong đó Owner và Admin có thể dễ dàng thiết lập vai trò tùy chỉnh (custom roles) cho các nhà phát triển như “Tạo vai trò mới” và “Cập nhật vai trò hiện có” bằng cách sử dụng các quyền của Management API. Khi thiết lập vai trò tùy chỉnh, doanh nghiệp cần nhấn chọn tất cả các quyền Đọc (Read) để người dùng có được những chức năng cơ bản cần thiết trong quá trình sử dụng nền tảng. 
  • Webhook của Hygraph có thể tích hợp với dịch vụ bên thứ ba nhằm cập nhật nhanh chóng những thay đổi xảy ra với nội dung của dự án theo thời gian thực. 
  • Scheduled Publishing cho phép các nhà tiếp thị nội dung xuất bản nội dung hoặc chiến dịch vào một thời gian cụ thể trong tương lai.
  • Rich Text Editor đôi khi được gọi là WYSIWYG là trình chỉnh sửa nội dung có sẵn cho tất cả giải pháp của Hygraph. Doanh nghiệp có thể thêm Rich Text Editor vào bất kỳ phần nội dung nào thông qua Schema Builder giúp nhà tiếp thị nội dung linh hoạt tạo, chỉnh sửa văn bản và hình ảnh dễ dàng.
  • Localization –  bản địa hoá nội dung cho chiến lược marketing toàn cầu  

Ưu điểm

  • Khả năng Content Federation đảm bảo API có thể lưu trữ, tổng hợp dữ liệu đúng và chính xác đến nhiều frontend khác nhau. 
  • Khả năng tùy chỉnh vai trò thúc đẩy sự cộng tác hiệu quả trong quy trình làm việc
  • Hiển thị phân tích hiệu suất nội dung để doanh nghiệp đo lường lưu lượng truy cập

Nhược điểm

  • Chức năng API được đánh giá khá chậm từ 3 đến 8 giây
  • Nhiều khái niệm và tính năng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và nỗ lực để nắm bắt. 

Chi phí

Hygraph cung cấp cho doanh nghiệp 3 gói giải pháp chính bao gồm:

  • Community: Miễn phí vĩnh viễn, phù hợp với cá nhân và dự án nhỏ
  • Self service: Phù hợp với doanh nghiệp đang trên đà phát triển
  • Professional: $399/tháng/dự án
  • Scale: $899/tháng/dự án
  • Enterprise: Giá tuỳ chỉnh dựa trên nhu cầu, phù hợp với các doanh nghiệp lớn

Những thương hiệu sử dụng Hygraph: Samsung, Shure, Booking.com, Philips, Telenor, Ashley, Dr. Oetker, Neat, Dmarket, Flybondi.com,  v.v 

Xem tiếp: 5 Nền tảng Headless CMS dành cho doanh nghiệp lớn (P2)

Để tìm hiểu sâu hơn về Headless CMS và chọn được nền tảng triển khai phù hợp, liên hệ SECOMM hoặc gọi trực tiếp đến Hotline (02871089908) để được tư vấn miễn phí. 

2
6,702
0
1
12/06/2023

    Đăng Ký Nhận Những Bài Viết Mới Nhất!