Thương mại điện tử là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng với tổng doanh số bán lẻ toàn cầu năm 2022 đạt 5.7 nghìn tỷ USD và ước tính đạt 6.3 nghìn tỷ USD năm 2023, theo Insider Intelligence. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp cận với những giải pháp kiến trúc thương mại điện tử hiệu quả và linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng về trải nghiệm mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, không có một giải pháp kiến trúc nào là hoàn hảo cho tất cả trường hợp. Mỗi kiến trúc có những ưu nhược điểm riêng phù hợp với mục tiêu và nhu cầu khác nhau. Do đó, việc phân biệt giữa các kiến trúc thương mại điện tử là rất quan trọng giúp doanh nghiệp chọn được kiến trúc phù hợp nhất cho mô hình kinh doanh của mình.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về bốn kiến trúc thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay là Monolithic, Headless, Composable và MACH. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ so sánh và đánh giá các kiến trúc này dựa trên các tiêu chí như chi phí, khả năng mở rộng, tùy chỉnh, bảo mật và hiệu suất.
Kiến trúc Monolithic
Kiến trúc Monolithic hay còn gọi là kiến trúc đơn khối, là một mô hình phát triển thương mại điện tử truyền thống và phổ biến trong thời gian dài. Cách tiếp cận này cho phép toàn bộ website thương mại điện tử được xây dựng như một ứng dụng đồng nhất trên một cơ sở mã nguồn (Codebase) duy nhất.
Điều này có nghĩa là giao diện người dùng (frontend) và logic kinh doanh (backend) được kết hợp và triển khai trên một hệ thống “tất cả trong một”. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến một thành phần thương mại điện tử cụ thể có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của cả hệ thống.
Ưu điểm:
Dễ triển khai: Sử dụng kiến trúc monolithic, doanh nghiệp chỉ cần quản lý một cơ sở mã nguồn (codebase) và một hệ thống cơ sở dữ liệu duy nhất cho toàn bộ hệ thống. Điều này làm cho quá trình triển khai, cập nhật và thay đổi ứng dụng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
Hiệu suất: Các thành phần thương mại điện tử kết nối chặt chẽ với nhau nên đối với hệ thống đơn giản và không phức tạp thì kiến trúc Monolithic có thể cung cấp hiểu suất cao
Nhược điểm:
Khó mở rộng: Kiến trúc monolithic là một khối thống nhất nên việc mở rộng hay tùy chỉnh sẽ khó khăn khi hệ thống phát triển lớn và phức tạp hơn.
Khó bảo trì và cập nhật: Các thành phần trong hệ thống được kết nối chặt chẽ với nhau nên việc duy trì một website theo kiến trúc Monolithic có thể khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thay đổi hoặc cập nhật một thành phần bất kỳ sẽ ảnh hưởng đến những thành phần còn lại và sự vận hành của cả hệ thống.
Hạn chế đổi mới: Kiến trúc thương mại điện tử truyền thống được xem ổn định và đáng tin cậy nhưng với hạn chế về tính mở rộng và tùy chỉnh nên sẽ khó để theo kịp những tiến bộ công nghệ mới nhất. Điều này vô tình cản trở khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với những kỳ vọng mua sắm của khách hàng.
Chi phí tăng dần: Việc triển khai hệ thống Monolithic thường không quá phức tạp và tốn kém nhưng khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoặc tùy chỉnh hay thực hiện các thao tác bảo trì, cập nhật sẽ làm cho chi phí tăng gấp nhiều lần.
Kiến trúc Monolithic có thể được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp triển khai hệ thống thương mại điện tử có quy mô nhỏ, ít phức tạp, mong muốn nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường và chưa có nhu cầu phát triển lớn hơn trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi hệ thống tăng trưởng và phát triển sẽ đòi hỏi tính tùy chỉnh và mở rộng cao hơn nên các kiến trúc Headless hay Composable sẽ phù hợp hơn.
Kiến trúc Headless
Kiến trúc Headless là giải pháp kiến trúc phổ biến trong thương mại điện tử, tại đó giao diện người dùng (frontend) của website thương mại điện tử được tách biệt khỏi hệ thống vận hành phía sau (backend). Kiến trúc Headless thường được gọi là “API-first” vì frontend và backend kết nối với nhau thông qua một lớp API (API layer).
Nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình Headless Commerce để tạo và tùy chỉnh các giao diện người dùng (frontend) nhằm cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm phong phú và liền mạch giữa các kênh khác nhau như website, mobile app, IoT, POS. Các giao diện người dùng này có thể kết nối với một hệ thống backend duy nhất qua lớp API, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh đa kênh và mở rộng quốc tế nhanh chóng.
Ưu điểm:
Tính linh hoạt: Doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ công nghệ và công cụ nào để phát triển frontend để tạo ra giao diện người dùng và trải nghiệm mua sắm tùy chỉnh và độc đáo mà không bị giới hạn bởi các theme có sẵn.
Dễ tích hợp: Kết nối và tích hợp với các công cụ và dịch vụ bên thứ ba thông qua API mà không cần viết lại mã nguồn (source code).
Hiệu suất cao: Vì frontend và backend hoạt động hoàn toàn độc lập nên doanh nghiệp có thể tối ưu hiệu suất cho cả hai phần để tăng cường hiệu suất cũng như tốc độ tải trang của website thương mại điện tử.
Mở rộng cao: Doanh nghiệp dễ dàng tùy chỉnh, thêm hoặc bớt các thành phần của frontend hoặc backend một cách linh hoạt mà không ảnh hưởng đến sự vận hành chung của cả hệ thống.
Nhược điểm:
Triển khai phức tạp: Do frontend và backend tách rời và được phát triển độc lập nên sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với triển khai Monolithic, đồng thời không dễ để đảm bảo tính tương tác và khả năng hoạt động hiệu quả của cả hai phần này.
Yêu cầu chuyên môn: Mô hình Headless Commerce cho phép tích hợp liền mạch với công nghệ và hệ thống bên thứ ba. Điều này đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật và kiến thức về API cũng như sự hiểu biết nhất định về các hệ thống.
Chi phí cao: Việc sử dụng nhiều dịch vụ bên thứ ba khác nhau đồng nghĩa với chi phí phải trả cũng nhiều bên cạnh chi phí cho đội ngũ phát triển và bảo trì hệ thống.
Triển khai Headless Commerce có thể phù hợp với các doanh nghiệp đòi hỏi tính linh hoạt để tạo và tuỳ chỉnh nhiều giao diện người dùng khác nhau phục vụ cho mục đích bán hàng đa kênh và mở rộng kinh doanh ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, những doanh nghiệp yêu cầu phát triển độc lập frontend và backend cũng như có nhu cầu tích hợp với nhiều hệ thống bên thứ ba thì nên ưu tiên kiến trúc Headless.
Kiến trúc Composable
Nếu điểm nổi bật của kiến trúc Headless là việc tách biệt phần frontend và backend mang đến khả năng mở rộng và tuỳ chỉnh linh hoạt thì kiến trúc Composable hay còn gọi là kiến trúc Mô-đun tiến thêm một bước nữa là tách rời tất cả thành phần (component) thương mại điện tử như Tìm kiếm, Thanh toán, Giỏ hàng, v.v. Việc này cho phép doanh nghiệp tuỳ chọn thành phần và đóng gói thành bộ PBC (Packaged Businesses Capabilities) để tạo nên giải pháp xây dựng website thương mại điện tử chuyên biệt và toàn diện.
Ưu điểm:
Linh hoạt cao: Triển khai Composable Commerce cho phép doanh nghiệp tích hợp các component phù hợp nhất với nhu cầu triển khai. Điều này có thể giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển thương mại điện tử mới nhất hiện nay.
Tùy chỉnh và mở rộng cao: Các component được phát triển độc lập và khi thay đổi một component bất kỳ sẽ không ảnh hưởng đến những component còn lại. Tương tự cho việc tùy chỉnh và mở rộng cho các component để đáp ứng mục tiêu kinh doanh mà không cần thiết đại trùng tu toàn bộ kiến trúc hệ thống.
Dễ dàng bảo trì: Các component trong hệ thống thương mại điện tử được tách rời và phát triển hoàn toàn độc lập với nhau nên việc bảo trì và cập nhật từng component riêng lẻ sẽ dễ dàng hơn, tránh gián đoạn hoặc tạm ngừng hoạt động của cả hệ thống.
Tránh phụ thuộc nhà cung cấp: Việc có thể linh hoạt tích hợp các component từ nhiều nhà cung cấp khác nhau đã giúp doanh nghiệp triển khai Composable Commerce không bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể. Điều này cho phép doanh nghiệp thay đổi nhà cung cấp cho component bất kỳ bất cứ khi nào muốn, đồng thời cho phép doanh nghiệp tận dụng những công nghệ mới nhất và giải pháp tối ưu nhất cho hệ thống thương mại điện tử của mình.
Nhược điểm:
Chi phí cao: Chi phí sử dụng mỗi component là khác nhau vì thế khi tích hợp càng nhiều thì chi phí sẽ càng tăng lên, chưa kể đến chi phí bảo trì cho từng component riêng lẻ.
Yêu cầu chuyên môn cao: Triển khai Composable Commerce đòi hỏi kỹ năng, kiến thức kỹ thuật cao và sự hiểu biết nhất định đối với công nghệ đang sử dụng để quá trình triển khai trở nên nhanh chóng và hiệu quả.
Khó quản lý: Sử dụng càng nhiều component đồng nghĩa doanh nghiệp phải làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau và mỗi nhà cung cấp sẽ có giao thức bảo mật và các yêu cầu cần phải tuân thủ nếu muốn sử dụng dịch vụ của họ. Khi hệ thống thương mại điện tử mở rộng quy mô, doanh nghiệp cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo mỗi component được phát triển và mở rộng đồng thời và tương thích, tránh ảnh hưởng để hệ thống.
Kiến trúc Composable thích hợp cho các trường hợp doanh nghiệp triển khai dự án lớn, yêu cầu cao về tính linh hoạt và tùy chỉnh, cần tích hợp nhiều dịch vụ và hệ thống bên thứ ba cũng như yêu cầu sự độc lập hoàn toàn giữa các thành phần của hệ thống thương mại điện tử.
Kiến trúc MACH
Kiến trúc MACH là kiến trúc hiện đại nhất để xây dựng và phát triển website thương mại điện tử linh hoạt vượt trội. Kiến trúc này cho phép doanh nghiệp kết hợp các công nghệ hàng đầu vào một hệ thống duy nhất bao gồm Microservices-based, API-first, Cloud-native và Headless.
M (Microservices-based): Các ứng dụng nhỏ độc lập được phát triển, triển khai và quản lý riêng biệt. Các ứng dụng này được thiết kế để thực hiện một chức năng kinh doanh cụ thể.
A (API-first): Tất cả thành phần của hệ thống thương mại điện tử được kết nối qua một giao diện lập trình ứng dụng (API), giúp các thành phần khác nhau hoạt động hiệu quả trên cùng một hệ thống.
C (Cloud-native): Quá trình phát triển hệ thống thương mại điện tử được thực hiện trên đám mây, nơi cung cấp một cơ sở hạ tầng có thể mở rộng và các dịch vụ công nghệ được cập nhật tự động bởi nhà cung cấp.
H (Headless): Thiết lập Headless cho phép tách biệt giao diện người dùng (frontend) và hệ thống vận hành (backend) để triển khai website thương mại điện tử. Việc này cho phép tạo và tùy chỉnh các trải nghiệm người dùng độc đáo và liền mạch.
Ưu điểm:
Linh hoạt cao: Doanh nghiệp có thể chọn và thay đổi các công cụ và dịch vụ theo nhu cầu kinh doanh và dễ dàng tùy chỉnh và mở rộng dịch vụ khi có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh.
Tích hợp dễ dàng: API là trung tâm của kiến trúc MACH, giúp kết nối dễ dàng với các dịch vụ và ứng dụng bên thứ ba.
Hiệu suất và bảo mật cao: Vì doanh nghiệp có thể sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo hiệu suất vận hành của hệ thống, tốc độ tải trang, trải nghiệm người dùng và bảo mật cao.
Nhược điểm:
Độ phức tạp cao: Việc phân tách nhiều thành phần và công nghệ khiến quá trình triển khai kiến trúc MACH trở nên phức tạp. Điều này đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm về kỹ thuật cao để đảm bảo triển khai, quản lý và vận hành hệ thống hiệu quả.
Chi phí cao: Việc kết hợp nhiều công nghệ hay tích hợp nhiều dịch vụ bên thứ ba sẽ khiến doanh nghiệp chi trả nhiều khoản phí hơn như phí tích hợp, phí đào tạo hoặc thuê đội ngũ triển khai và các phí liên quan đến bảo trì, cập nhật.
Kiến trúc MACH sẽ phù hợp với những doanh nghiệp có ngân sách dư dả, muốn triển khai dự án lớn dựa trên 4 công nghệ của MACH và yêu cầu về tính tùy chỉnh và mở rộng cao, đồng thời có sẵn hoặc hợp tác với đơn vị phát triển có chuyên môn cao.
Monolithic, Headless, Composable và MACH: Đâu là lựa chọn tối ưu?
Trên đây là tóm lược về bản chất của bốn kiến trúc triển khai website thương mại điện tử: Monolithic, Headless, Composable và MACH. Nếu Monolithic có vẻ lỗi thời và tồn đọng nhiều hạn chế thì kiến trúc Composable và MACH mới mẻ, mang đến giải pháp phát triển tối ưu và linh hoạt hơn rất nhiều nhưng quá trình triển khai và vận hành lại phức tạp, yêu cầu đội ngũ phát triển phải có chuyên môn cao. Do đó, Headless trở thành giải pháp kiến trúc sáng giá so với ba sự lựa chọn còn lại để triển khai website thương mại điện tử ở thời điểm hiện tại.
Headless Commerce là giải pháp phổ biến nhất hiện nay với nhu cầu triển khai Headless Commerce tăng 25% trong vòng 2 năm qua. Triển khai Headless cho phép doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm người dùng tùy chỉnh và đa kênh bằng cách tích hợp với những công cụ và công nghệ hàng đầu. Để phát triển Headless Commerce hiệu quả, doanh nghiệp cần hợp tác với đơn vị phát triển có kỹ năng và chuyên môn cao cũng như một chiến lược bài bản.
Với kinh nghiệm về kỹ thuật lâu năm và chuyên môn cao trong lĩnh vực thương mại điện tử, SECOMM đã tư vấn và triển khai Headless Commerce thành công cho những doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Suzuverse dựa trên một trong hai giải pháp của Shopify đó là:
Shopify Hydrogen + Oxygen: Bộ giải pháp vượt trội bao gồm framework Hydrogen dựa trên React và hosting Oxygen giúp doanh nghiệp triển khai website thương mại điện tử theo kiến trúc Headless nhanh chóng và hiệu quả.
Commerce Components: Bộ techstack mới đột phá được phát triển dành riêng cho doanh nghiệp lớn triển khai Headless Commerce hoặc Composable Commerce. Giải pháp này cho phép doanh nghiệp kết hợp những ‘components’ độc lập để tùy chỉnh và tăng cường trải nghiệm thương mại điện tử.
Liên hệ SECOMM hoặc gọi trực tiếp vào hotline (02871089908) để khám phá cách chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của Headless Commerce và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử.
2
7,439
0
1
27/10/2023
Không tìm thấy gì
Có vẻ như chúng tôi không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm. Có lẽ tìm kiếm có thể giúp đỡ.