Tag: Marketing

Tất Cả Bài Viết
Danh Mục
Chủ đề
Mới nhất
ecommerce ecosystem
HIỂU VỀ HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐỂ DẪN DẮT DOANH NGHIỆP HIỆU QUẢ
Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đang đón nhận nhiều cơ hội chuyển đổi trước sự phát triển thần tốc của công nghệ, thị trường, người tiêu dùng và sự tham gia của các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, để tăng trưởng vượt bậc và bền vững, ngoài việc tận dụng tối ưu các cơ hội, doanh nghiệp cần phải gây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn thiện. Sự hoàn thiện của hệ sinh thái nói chung cũng như các thành phần trong hệ sinh thái nói riêng chính là nền tảng thúc đẩy các tương tác giữa doanh nghiệp, thị trường và người dùng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Vậy, các thành phần trong hệ sinh thái thương mại điện tử bao gồm những gì? Doanh nghiệp nên phát triển hệ sinh thái như thế nào cho phù hợp với chiến lược kinh doanh?

1. Hệ sinh thái thương mại điện tử bao gồm những thành phần nào?

Hệ sinh thái thương mại điện tử là một không gian mở thực hiện mọi tương tác, kết nối của yếu tố con người, yếu tố xã hội, nền tảng công nghệ thông tin và các ứng dụng, dịch vụ để cung cấp giá trị và vận hành hiệu quả các thành phần trong hệ sinh thái. (Dựa trên khái niệm của PGS. TS Nguyễn Văn Hồng)
Các thành phần trong hệ sinh thái được vận hành thông qua hệ thống các cơ chế, chính sách, luật pháp nhất quán để tạo thành một hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử an toàn, đảm bảo các quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

ecommerce ecosystem components
Các thành phần chính trong hệ sinh thái thương mại điện tử

Các thành phần chủ yếu trong hệ sinh thái thương mại điện tử:

  • Hệ thống hạ tầng thương mại điện tử (Infrastructure) bao gồm phần cứng (máy chủ và các thiết bị), phần mềm (dịch vụ/công cụ dùng cho quản lý, phân tích), hệ thống mạng và các cơ sở vật chất tạo nền tảng cho các thành phần còn lại và đảm bảo mọi quy trình thương mại điện tử diễn ra liền mạch, hiệu quả.
  • Nền tảng thương mại điện tử (Ecommerce platform) là các ứng dụng phần mềm để xây dựng và quản lý mọi hoạt động trong hệ thống. Các nền tảng phổ biến hiện nay có thể kể đến như Magento, Shopify, BigCommerce, WooCommerce, Haravan, Wix…
  • Dịch vụ phát triển hệ thống thương mại điện tử (Development): cung cấp dịch vụ, giải pháp phát triển website, hệ thống, quy trình thương mại điện tử. Một số nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến như SmartOSC, Isobar, SECOMM,…
  • Sàn thương mại điện tử (Marketplace): cung cấp môi trường và mọi dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, cho phép hoạt động mua bán được thực hiện dễ dàng giữa nhiều người bán và nhiều người mua. Tại Việt Nam, có thể kể đến các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,…
  • Bộ phận thanh toán (Payment) bao gồm các mạng lưới, hệ thống, thiết bị xử lý mọi giao dịch diễn ra trong thương mại điện tử. Hiện nay, bên cạnh các hình thức thanh toán tiền mặt, thanh toán thẻ (thẻ nội địa, Visa, Mastercard,…) thì các hình thức Cổng thanh toán (OnePay, PayPal,…) hay ví điện tử (Momo, ZaloPay,..) cũng đang phát triển tại Việt Nam.
  • Hệ thống vận chuyển (Shipping) bao gồm toàn bộ các quy trình quản lý, phân phối hàng hóa từ kho hàng, đóng gói và vận chuyển đến khách hàng. Điển hình là Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh, ViettelPost, J&T, Ahamove,…
  • Phần mềm tài chính (Accounting) giúp quản lý các dữ liệu về hóa đơn, doanh thu bán hàng và mọi dòng tiền trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, sự ra đời của các phần mềm hóa đơn điện tử như e-invoice, MISA meInvoice, FPT.eInvoice,… đã hỗ trợ tối đa cho các quy trình kế toán.
  • Hoạt động Marketing (Marketing) giúp phát triển thương hiệu và sản phẩm hiệu quả, đồng thời tiếp cận và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua chiến lược, kênh và công cụ hỗ trợ.
  • Hệ thống quản lý (Management system) sử dụng các phần mềm quản lý nguồn lực và quy trình vận hành để nâng cao tính liền mạch và hiệu suất hoạt động cho toàn bộ hệ thống thương mại điện tử. Các hệ thống quản lý được sử dụng phổ biến hiện nay là ERP, CRM, IMS, POS, OFM,…

2. Hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển và hoàn thiện như thế nào?

The innovation of ecosystem components
Quá trình hoàn thiện của các thành phần trong hệ sinh thái thương mại điện tử

Giai đoạn 1: Hệ sinh thái Thương mại điện tử phát triển cơ bản

Ở giai đoạn khách hàng chưa nhận thức rõ ràng về nhu cầu mua hàng, hệ sinh thái thương mại điện tử cơ bản được hình thành, bắt đầu tiếp cận, giáo dục và kích thích sự tò mò của khách hàng về thương hiệu, sản phẩm.

Thành phần hệ sinh thái phát triển cơ bản (4/9): Hạ tầng TMĐT, Nền tảng TMĐT, Sàn TMĐT, Marketing

  • Hạ tầng TMĐT: tham gia hệ sinh thái ở mức độ cơ bản, chủ yếu sử dụng các thiết bị máy tính, thiết bị mạng, hệ thống dữ liệu và các cơ sở vật chất cơ bản để hỗ trợ vận hành các thành phần khác trong hệ sinh thái.
  • Nền tảng TMĐT: sử dụng các nền tảng tạo website đơn giản với giao diện và chức năng thương mại điện tử cơ bản.
  • Sàn TMĐT: triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để thử nghiệm hiệu quả bán hàng, đồng thời tăng độ phủ thương hiệu và tiếp cận nhiều đối tượng người dùng để nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng.
  • Marketing: sử dụng các kênh Marketing mạng xã hội, quảng cáo, nội dung, email,… để tăng lượt xem, lượt truy cập nhằm xây dựng nhận thức về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ trong tư duy các khách hàng tiềm năng.

Các thành phần nổi bật: Sàn TMĐT, Marketing

Thành phần chưa tập trung phát triển: Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính, Hệ thống quản lý

Giai đoạn 2: Hệ sinh thái TMĐT vận hành cơ bản

Ở giai đoạn này, khách hàng bắt đầu nhận thức về nhu cầu mua hàng. Hệ sinh thái bước vào hoạt động vận hành, thực hiện tiếp cận nhu cầu của các đối tượng khách hàng tiềm năng.

Thành phần hệ sinh thái vận hành cơ bản (8/9): Hạ tầng TMĐT, Sàn TMĐT, Nền tảng, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Marketing, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính

  • Hạ tầng TMĐT: phát triển hoàn thiện, đảm bảo mọi quy trình và tương tác giữa các thành phần diễn ra liền mạch.
  • Sàn TMĐT: duy trì hoạt động bán hàng với các chương trình, sự kiện được đổi mới liên tục để thu hút khách hàng tiềm năng.
  • Nền tảng TMĐT: vận hành hệ thống, luôn cập nhật phiên bản mới để đáp ứng hiệu suất dần tăng lên của hệ thống.
  • Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT: phát triển và vận hành toàn bộ hệ thống, đồng thời liên tục cải thiện hiệu suất hoạt động.
  • Marketing:
    • Tăng tần suất hiển thị của website trên các công cụ tìm kiếm để tăng nhận diện thương hiệu, sản phẩm cũng như thu hút thêm các đối tượng tiềm năng.
    • Tiếp tục đẩy mạnh kênh Marketing mạng xã hội, quảng cáo, nội dung, email,… tăng trải nghiệm, giáo dục và tăng chuyển đổi đối với các khách hàng mục tiêu.
  • Thanh toán: hoàn thiện hệ thống xử lý thanh toán và tích hợp các cổng thanh toán hoàn chỉnh.
  • Vận chuyển: hoàn thiện hệ thống xử lý vận chuyển và liên kết nhà cung cấp vận chuyển, thực hiện giao các đơn hàng đầu tiên.
  • Tài chính: Hoàn thiện hệ thống kế toán, tài chính để quản lý mọi giao dịch thương mại điện tử xảy ra trên hệ thống.

Các thành phần nổi bật: Marketing, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính

Thành phần chưa tập trung phát triển: Hệ thống quản lý

Giai đoạn 3: Hệ sinh thái TMĐT vận hành nâng cao

Hệ sinh thái sẽ tăng cường khả năng vận hành với nhiều chức năng quan trọng để tác động trực tiếp đến quá trình khách hàng tìm kiếm thông tin và cân nhắc mua hàng, từ đó tăng khả năng chuyển đổi của phễu khách hàng.

Thành phần hệ sinh thái vận hành nâng cao (8/9): Hạ tầng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Sàn TMĐT, Nền tảng TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính, Marketing

Thành phần duy trì hệ thống: Hạ tầng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Sàn TMĐT, Tài chính

Các thành phần nổi bật: Nền tảng TMĐT, Thanh Toán, Vận chuyển, Marketing

  • Nền tảng TMĐT: doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào quá trình phát triển hệ thống thương mại điện tử với nền tảng chuyên biệt có vận hành và xử lý tối ưu các chức năng phức tạp.
    • Phát triển các chức năng mới để tối ưu trải nghiệm người dùng
    • Tối ưu các chức năng kêu gọi hành động và thu thập email người dùng trên kênh website, đồng thời bắt đầu triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mãi để tăng chuyển đổi.
  • Thanh toán: tích hợp bổ sung các phương thức thanh toán để đa dạng hóa trải nghiệm thanh toán, từ thanh toán COD, internet banking đến các loại thẻ VISA, Mastercard hay ví điện tử.
  • Vận chuyển: tối ưu quy trình đóng gói, cải thiện tốc độ giao hàng bằng cách liên kết với các nhà cung cấp vận chuyển hoặc xây dựng đội ngũ giao hàng riêng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tối ưu quy trình vận hành để xử lý đơn hàng nhanh chóng.
  • Marketing:
    • Website: chú trọng hơn về mặt nội dung blog, đồng thời tối ưu các trang nội dung sản phẩm.
    • Tiếp tục duy trì hiệu quả kênh Social Marketing
    • Kênh email được tập trung hơn để nuôi dưỡng và kích thích nhu cầu của khách hàng tiềm năng.

Thành phần chưa tập trung phát triển: Hệ thống quản lý

Giai đoạn 4: Hệ sinh thái TMĐT vận hành tối ưu

Khi khách hàng chuyển sang giai đoạn ra quyết định mua hàng, hệ sinh thái phát huy hiệu quả tối ưu trong mọi quy trình và thành phần vận hành, đồng thời tập trung phát triển các chức năng chuyển đổi phễu khách hàng thông qua sự cải thiện và đổi mới liên tục của thành phần Marketing.

Thành phần hệ sinh thái vận hành tối ưu (9/9): Hạ tầng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Sàn TMĐT, Nền tảng TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính, Marketing, Hệ thống quản lý

Thành phần duy trì hệ thống: Hạ tầng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Sàn TMĐT, Nền tảng TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính

Các thành phần nổi bật: Marketing, Hệ thống quản lý

  • Marketing: tập trung chiến lược Marketing Thương mại điện tử
    • Triển khai kế hoạch gửi email nhắc nhở các đơn hàng chưa thanh toán để tiếp tục kích thích những đối tượng người tiêu dùng tiềm năng
    • Duy trì chăm sóc khách hàng qua email để thu thập các phản hồi, đánh giá của khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm
    • Phát triển chương trình khách hàng thân thiết với các hoạt động giảm giá, tích lũy điểm đổi quà, thẻ thành viên,… để tăng khả năng khách hàng quay trở lại
  • Hệ thống quản lý:
    • Tích hợp thêm hệ thống ERP để vận hành dữ liệu, nhân lực và các quy trình liền mạch hơn
    • Đồng bộ Website với ERP và CRM để tối ưu quy trình vận hành và tăng chuyển đổi phễu khách hàng

Giai đoạn 5: Hệ sinh thái TMĐT hoàn thiện tối đa

Các thành phần của hệ sinh thái đều hoàn thiện và tương tác hiệu quả với nhau. Hệ sinh thái hướng đến duy trì vận hành và phát triển hệ thống để hỗ trợ quá trình sử dụng sản phẩm của khách hàng, giữ chân khách hàng và kích thích khả năng quay lại mua hàng.

Thành phần hệ sinh thái hoàn thiện tối đa (9/9): Hạ tầng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Sàn TMĐT, Nền tảng TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính, Marketing, Hệ thống quản lý

Thành phần duy trì hệ thống: Hạ tầng TMĐT, Sàn TMĐT, Thanh toán, Vận chuyển, Tài chính, Marketing

Các thành phần nổi bật: Nền tảng TMĐT, Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT, Hệ thống quản lý

  • Nền tảng thương mại điện tử: sử dụng các đánh giá thu thập từ khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các chức năng hỗ trợ trên hệ thống.
  • Dịch vụ phát triển hệ thống TMĐT: lúc này hệ thống TMĐT có độ phức tạp cao, các chức năng chuyên biệt và phức tạp cần có dịch vụ phát triển để hỗ trợ các giải pháp cải tiến và hoàn thiện hệ thống.
  • Hệ thống quản lý: vận hành và quản lý liền mạch mọi dữ liệu, quy trình và nguồn lực từ các hệ thống website, ERP, CRM, POS.

3. Hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam đang gặp phải những rào cản nào?

Mặc dù hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam đang có tốc độ hoàn thiện nhanh chóng nhưng sự tăng trưởng này đang vướng phải nhiều rào cản.

barriers facing the ecosystem
Hệ sinh thái TMĐT Việt Nam chưa đạt được độ hoàn thiện tối ưu, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng

Rào cản từ bên ngoài

Vấn đề pháp lý chưa bắt kịp với sự phát triển của hệ sinh thái Thương mại điện tử

Thương mại điện tử tại Việt Nam là một lĩnh vực mới mẻ so với thị trường chung. Điều này khiến cho môi trường pháp lý dành riêng cho thương mại điện tử vẫn chưa được hoàn thiện và chặt chẽ. Trong đó, các vấn đề về thuế, bảo mật và xác thực thông tin trong giao dịch điện tử, quyền sở hữu trí tuệ,… chưa được bảo vệ với giải pháp thích hợp từ khung pháp lý.

Sự mất cân bằng giữa độ hoàn thiện của khung pháp lý và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường khiến cho thương mại điện tử trở nên khó kiểm soát, hoặc có nguy cơ phát triển không lành mạnh. Cụ thể, Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử đã có những quy định về quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh thương mại điện tử nhưng quá trình kiểm soát việc đăng ký vẫn chưa được triển khai đầy đủ và chặt chẽ, dẫn đến số lượng doanh nghiệp kê khai đăng ký vẫn chưa đủ so với thực tế. Vì vậy, tính xác thực của phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thể xác minh, dẫn đến tình trạng gian lận trong giao dịch và các hành vi gian lận khác.

Nghiêm trọng hơn là các vấn đề chiếm dụng, giả mạo tên miền do các hacker gây ra để thực hiện các hành vi giả mạo doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng bị thiệt hại nghiêm trọng. Điều này cho thấy hệ thống pháp lý hiện nay cần được thực thi mạnh mẽ với biện pháp cụ thể hơn giúp ngăn chặn nguy cơ tấn công từ các tội phạm công nghệ.

Vấn đề lòng tin người tiêu dùng

Các thực trạng xảy ra trong quá trình mua hàng cũng là một trong những rào cản lớn của hệ sinh thái. Các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, điển hình là quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm (hàng giả, hàng kém chất lượng), hay gian lận, lừa đảo trong các dịch vụ thanh toán (đánh cắp thông tin thẻ tín dụng), vận chuyển (hàng bị tráo đổi trong quá trình đóng gói và vận chuyển),… đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng và sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ sinh thái thương mại điện tử.

Vấn đề về ngân sách đầu tư của doanh nghiệp

Một trong những rào cản lớn khác cho hệ sinh thái là vấn đề về cạnh tranh và ngân sách đầu tư trong doanh nghiệp. Yêu cầu bảo mật dữ liệu hay đầu tư hạ tầng công nghệ khiến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử riêng lẻ hiện nay đang chịu sức ép lớn về ngân sách. Điều đó khiến cho hệ sinh thái thương mại điện tử bị chi phối khá lớn bởi sự phát triển của các sàn thương mại điện tử cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Rào cản từ bên trong

Mặc dù các thành phần trong hệ sinh thái thương mại điện tử hiện nay đã hoàn thiện đầy đủ về số lượng, tuy nhiên mức độ phát triển không đồng đều giữa các thành phần này khiến các tương tác, quy trình vận hành diễn ra rời rạc và khó đạt được tăng trưởng tối ưu. Các rào cản chủ yếu đến từ:

  • Hạ tầng TMĐT: Sự hạn chế về hạ tầng, cơ sở vật chất, năng lực tiếp cận công nghệ ở các khu vực nông thôn tạo nên nhiều cách biệt đáng kể so với các khu thành thị, gây ảnh hưởng đến độ phủ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
  • Logistics: Hạ tầng logistics chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Sự thiếu đồng bộ giữa các dịch vụ logistics và hạn chế về việc áp dụng công nghệ vẫn là rào cản lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ tại Việt Nam.
  • Thanh toán: Thanh toán tiền mặt (COD) rất cao, chiếm đến 60% giao dịch trong toàn bộ thị phần thanh toán điện tử. Điều này tạo ra nhiều rủi ro hơn cho doanh nghiệp do tình trạng trả lại đơn hàng và không nhận hàng khiến cho quá trình xử lý các đơn hàng này mất thêm nhiều chi phí và thời gian hơn.

Ngoài ra, rào cản lớn nhất là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái để mang lại các giải pháp thương mại điện tử thống nhất và đồng bộ. Nhìn chung các giải pháp liên kết hiện nay thường diễn ra phổ biến giữa các sàn thương mại điện tử và đơn vị cung cấp vận chuyển, hoặc với các ngân hàng số/ví điện tử để cung cấp các giải pháp tiết kiệm, thông minh hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên sự liên kết liền mạch và thống nhất giữa mọi thành phần trong hệ sinh thái vẫn chưa được phát triển để có thể tối ưu các tương tác liền mạch của doanh nghiệp trong hệ sinh thái và giữa các doanh nghiệp trong thị trường thương mại điện tử.

4. Giải pháp cho các doanh nghiệp SMEs

Sự hoàn thiện của hệ sinh thái thương mại điện tử là nền tảng bền vững giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng, triển khai các kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử phù hợp cho từng giai đoạn phát triển đồng thời xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện cho riêng mình.

Về số lượng thành phần triển khai

Doanh nghiệp cần xác định các thành phần hệ sinh thái thương mại điện tử phù hợp theo từng mô hình kinh doanh và từng giai đoạn phát triển khác nhau.

Một doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ sẽ sử dụng các thành phần cơ bản của hệ sinh thái thương mại điện tử như nền tảng để phát triển một hệ thống hoàn chỉnh, hoàn thiện các quy trình thanh toán, vận chuyển, tích hợp thêm các phần mềm quản lý CRM, POS, tài chính và các công cụ Marketing.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn có thể cân nhắc đến hệ thống ERP giúp quản lý doanh nghiệp liền mạch hơn, hoặc kết hợp triển khai omnichannel để mở rộng hiệu quả kinh doanh.

Về thời gian triển khai

Dựa trên các thành phần hệ sinh thái đã được xác định cụ thể, doanh nghiệp ước tính thời gian chuẩn bị phù hợp để thúc đẩy quá trình kinh doanh diễn ra đúng thời điểm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường và nhu cầu khách hàng. Từ đó, tăng hiệu quả cho kế hoạch triển khai và hiệu suất hoạt động của hệ thống thương mại điện tử.

Về ngân sách triển khai

Khi đã xác định rõ ràng các thành phần hệ sinh thái cần thiết cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, vấn đề ngân sách sẽ được lên kế hoạch cụ thể hơn. Việc xác định ngân sách phù hợp là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp SMEs có thể triển khai thương mại điện tử thành công và phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp SMEs hiện nay do trở ngại lớn về ngân sách và quá trình đầu tư cần diễn ra lâu dài.

solutions for SMEs
Chọn lọc thành phần phù hợp với mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả và bền vững về dài hạn

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vừa nhỏ hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh TMĐT của chính mình. Phần lớn các doanh nghiệp chưa xác định đúng các thành phần hệ sinh thái thương mại điện tử cần thiết và phù hợp với mô hình kinh doanh, dẫn đến các vấn đề về thời gian triển khai và ngân sách triển khai.

Với kinh nghiệm chuyên sâu về cung cấp giải pháp thương mại điện tử toàn diện, SECOMM sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong từng giai đoạn triển khai kinh doanh thương mại điện tử với các giải pháp phù hợp nhất.

Liên hệ SECOMM để nhận được dịch vụ tư vấn giải pháp thương mại điện tử đầy đủ cho doanh nghiệp!

2
6,159
1
1
13/09/2021


    Sign Up for newsletter!

    Subscribe to get the latest eBook!