Tag: mcommerce

Tất Cả Bài Viết
Danh Mục
Chủ đề
Mới nhất
Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN VỚI MOBILE COMMERCE TRONG NĂM 2023

Theo dữ liệu mới nhất của Statista, tính đến tháng 1 năm 2023, lượng người dùng smartphone trên toàn thế giới là 6.92 tỷ người, tăng 4,2% hàng năm. Riêng tại Việt Nam, con số này là 69 triệu người dùng chiếm 97% dân số cả nước. Trong khi đó tại Mỹ, Pew Research Center nhận định có khoảng ¾ người Mỹ sở hữu smartphone. Điều này cho thấy smartphone đã trở thành thiết bị thông dụng và nhu cầu sở hữu và sử dụng smartphone của người dùng ngày càng cao. 

Bên cạnh đó, Internet từ lâu đã không còn là cơ sở hạ tầng quá cao cấp đối với các quốc gia. Vì vậy, người dùng hiện nay có xu hướng ưu tiên sử dụng các thiết bị nhỏ gọn như smartphone để duyệt web. 

Lẽ thông thường, các thương hiệu cần phải xây dựng sự hiện diện ở nơi có nhiều khách hàng tiềm năng. Do đó, sự ra đời của Mobile Commerce nhanh chóng được đón nhận và trở thành một trong các chiến lược kinh doanh chủ chốt của nhiều doanh nghiệp. 

Không chỉ vậy, sự xuất hiện của Covid vào năm 2020 đã trở thành cú hích cho thương mại điện tử nói chung và thương mại di động nói riêng bùng nổ mạnh mẽ.

Thời điểm đó, chiếc smartphone trở thành người bạn đồng hành của người dùng trong xu hướng mua sắm online, với 79% người dùng sử dụng smartphone hoặc các thiết bị di động khác để mua hàng online, theo OuterBox. Kể cả khi đại dịch đã qua đi, sự phát triển này của Mobile Commerce vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi doanh số bán lẻ mCommerce cán mốc 415 tỷ USD trong năm 2022 và được kỳ vọng sẽ đạt 710 tỷ USD vào năm 2025. 

Mobile Commerce là gì?

Mobile Commerce hay Mobile eCommerce, gọi tắt là m-commerce hay mCommerce và được dịch ra tiếng Việt là Thương Mại Di Động. Thuật ngữ này lần đầu được tạo ra và sử dụng bởi Kevin Duffey tại Diễn Đàn Thương Mại Di Động Toàn Cầu năm 1997, nghĩa là “việc cung cấp các khả năng thương mại điện tử trực tiếp đến tay người tiêu dùng, ở bất kỳ đâu, thông qua công nghệ không dây”.

Hay nói cách khác, đây là một mô hình kinh doanh mà tại đây tất cả các giao dịch tiền tệ online đều được thực hiện trên thiết bị di động như mua sắm, giao dịch ngân hàng, giao dịch với ví điện tử, gọi xe, đặt đồ ăn, đặt phòng khách sạn, v.v.

Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Mobile Commerce là gì
Mobile Commerce là gì

mCommerce vs eCommerce 

eCommerce hay thương mại điện tử là một khái niệm tương đối rộng, đề cập đến việc mua bán hàng hoá và dịch vụ trên Internet. Trong khi đó, thương mại di động về bản chất là một nhánh của eCommerce và là phiên bản di động của eCommerce, đề cập cụ thể đến các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành trên thiết bị di động. 

Ngoài ra, trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử phụ thuộc nhiều vào máy tính và các website, nên tính di động sẽ thấp và không thuận tiện cho khách hàng. Còn đối với thương mại di động, khách hàng có thể dễ dàng mang theo thiết bị của mình đến bất kỳ đâu, nhờ vậy doanh nghiệp có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm cá nhân hoá giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng. 

Những xu hướng Mobile Commerce đang lên ngôi

Nhờ sự phổ biến của smartphone trong đời sống của người tiêu dùng mà các xu hướng liên quan ngày càng lên ngôi, chẳng hạn như xu hướng mua sắm di động, thanh toán di động, thương mại xã hội.

Ứng dụng mua sắm di động (Mobile Shopping Apps)

Các ứng dụng mua sắm di động ngày càng phổ biến và là xu hướng nổi bật nhất của thương mại di động. Nhiều thương hiệu bán lẻ trong nhiều lĩnh vực như thời trang, mỹ phẩm, v.v đầu tư xây dựng và phát triển ứng dụng thương mại điện tử cho riêng mình. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh số mà còn giúp quá trình mua sắm của khách hàng trở nên dễ dàng và thuận tiện khi họ có thể tìm kiếm sản phẩm và hoàn tất mua sắm ngay trong app. 

Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Ứng dụng mua sắm di động (Mobile Shopping Apps)
Xu hướng Mobile Shopping Apps

Khởi điểm của sự bùng nổ của ứng dụng mua sắm bắt đầu từ năm 2020 – thời điểm mà đại dịch Covid xuất hiện và các hạn chế tiếp xúc xã hội được thiết lập. Đến quý 1 năm 2021, lượng thời gian sử dụng các ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng 49%, theo Mobile Shopping Report 2021

Trong nỗ lực phát triển bền vững giữa khủng hoảng đại dịch, ứng dụng SHEIN với gần 15.5 triệu người dùng toàn cầu có vai trò quan trọng đóng góp vào khoảng doanh thu 9.81 tỷ USD năm 2020. Bước sang năm 2021, ứng dụng di động của SHEIN cán mốc 43.7 triệu người dùng và đồng thời trở thành ứng dụng được tải về nhiều thứ 2 trên thế giới sau Shopee.

Không dừng lại ở đó, năm 2022 lượng người dùng của SHEIN tăng đến 74.7 triệu và chính thức trở thành ứng dụng di động được tải về nhiều nhất toàn cầu thuộc danh mục mua sắm với hơn 229 triệu lượt tải và cài đặt từ App Store và Google Play. 

Ứng dụng thanh toán di động (Mobile Payment Apps)

Sự hữu dụng của những chiếc smartphone không chỉ nằm ở việc hỗ trợ mua sắm online mà còn làm cho các khoản giao dịch, thanh toán trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh. Bên cạnh các ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng thì người dùng dành sự ưu chuộng đặc biệt đối với các ứng dụng ví di động hay ví điện tử (Mobile Wallets). 

Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Ứng dụng thanh toán di động
Xu hướng Mobile Payment Apps

Tại thị trường Việt Nam, khi nhắc đến ví điện tử người ta sẽ nghĩ ngay đến MoMo. Tuy nhiên, MoMo không chỉ được biết đến là một ví điện tử thông thường mà còn là siêu ứng dụng hàng đầu. Đến nay MoMo đã xây dựng nền tảng cung cấp khoảng 400 loại hình dịch vụ khác nhau ở nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, mua sắm, dịch vụ ăn uống và quyên góp từ thiện, v.v. 

Lượng người dùng của MoMo tăng mạnh những năm gần đây từ con số 10 triệu người dùng năm 2019 đến khoảng 31 triệu người dùng năm 2022 và mục tiêu tiếp theo công ty hướng đến là ít nhất 50 triệu người dùng.

Thương mại xã hội (Social Commerce)

Bên cạnh việc xây dựng app bán hàng riêng thì bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội cũng là một trong các chiến lược đang được áp dụng rộng rãi. Sự phổ biến cùng lượng người dùng đông đảo của mạng xã hội đã tạo bàn đạp vững chắc cho sự phát triển của Social Commerce và là sân chơi của các nhà bán hàng từ lớn đến nhỏ. Social Commerce là hình thức bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng xã hội.

Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Thương mại xã hội (Social Commerce)
Xu hướng Social Commerce

Instagram, Facebook hay TikTok là những ví dụ điển hình. Việc bán hàng trên mạng xã hội sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận lượng lớn người dùng sẵn có của các nền tảng đó và đồng thời tận dụng các influencers cho các chiến dịch marketing.

Như cách mà thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Cocoon đang làm với chính gian hàng TikTok Shop của họ. Vốn được yêu thích bởi các sản phẩm thân thiện với môi trường và không thử nghiệm trên động vật, nay Cocoon mở gian hàng trên TikTok và hợp tác với nữ beauty vlogger nổi tiếng Hà Linh đã mang về cho thương hiệu này nhiều thành công. Không chỉ sự bứt phá về doanh số mà còn “chạm” đến lượng khách hàng yêu thiên nhiên, yêu động vật và trẻ tuổi trên nền tảng TikTok. 

Lợi ích khi triển khai Mobile Commerce

Tính tiện lợi và khả năng tiếp cận nhiều khách hàng

Như đã đề cập, lượng người dùng smartphone toàn cầu năm 2023 xấp xỉ 6.9 tỷ người đã trở thành động lực cho sự phát triển của thương mại di động. Bất kỳ ai sở hữu smartphone đều có tiềm năng trở thành khách hàng. Vì vậy triển khai Mobile Commerce sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đến cơ sở người dùng khổng lồ này, nuôi dưỡng và tạo ra chuyển đổi. 

Ngoài ra, với tính chất di động đặc trưng của Mobile Commerce, người dùng smartphone có truy cập Internet là đã có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi thậm chí trong lúc di chuyển mà không bị phụ thuộc vào một địa điểm cố định. Đặc biệt khi ghé cửa hàng để mua sắm, thay vì thanh toán bằng tiền mặt hoặc trả bằng thẻ, khách hàng giờ đây có thể thanh toán qua ví điện tử như MoMo hay VNPay, v.v

Cung cấp trải nghiệm cá nhân hoá

Các doanh nghiệp hiện nay rất chú trọng đến trải nghiệm cá nhân hoá của khách hàng và trong thế giới thương mại di động, điều này đặc biệt quan trọng. Chiếc smartphone được xem là món đồ riêng tư và tại đó mỗi người sẽ thực hiện những hoạt động hành ngày mang tính cá nhân.

Hơn nữa, trong xu hướng mua sắm online, khách hàng sẽ đánh giá cao những thương hiệu mang đến cho họ trải nghiệm cá nhân hoá vì điều đó thể hiện sự quan tâm của thương hiệu đối với khách hàng của mình. Vì vậy, các thông điệp, chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp càng chú trọng vào chi tiết và yếu tố cá nhân thì càng tốt.

Đối với Mobile Commerce, thông báo đẩy từ app được xem là giải pháp hiệu quả. Các app di động sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng bao gồm, thông tin cá nhân, các tài khoản mạng xã hội, sở thích, địa điểm hiện tại, lịch sử mua hàng, sản phẩm đã xem, v.v sau đó kết hợp và phân tích để gửi đi thông điệp phù hợp đến đúng đối tượng mục tiêu qua thông báo đẩy (Push Notification).

Nghiên cứu gần đây cho thấy sự hiệu quả của thông báo đẩy trong việc kết nối với khách hàng và thông báo về sản phẩm mới cũng như các chương trình khuyến mãi:

  • Tỷ lệ mở của thông báo đẩy là 90%
  • Tỷ lệ mở này cao hơn 50% so với các email marketing
  • Có đến 55%-60% người dùng ứng dụng di động đồng ý nhận thông báo đẩy
  • 70% trong số đó cảm thấy thông báo đẩy hữu ích 
  • 52% người dùng tìm kiếm những thông tin liên quan và các chương trình khuyến mãi đi kèm sau khi nhận và đọc thông báo đẩy. 
Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Cung cấp trải nghiệm cá nhân hoá - Số liệu
Cung cấp trải nghiệm cá nhân hoá

Thông báo đẩy (Push Notifications) là một trong những chiến lược được thực hiện nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm cá nhân hoá và mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Khi khách hàng càng hài lòng về trải nghiệm mua sắm, khả năng rất cao doanh nghiệp sẽ tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng và duy trì lòng trung thành của họ đối với thương hiệu

Cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh (Omnichannel)

Yêu cầu về trải nghiệm mua sắm của khách hàng ngày càng cao, không chỉ mỗi cá nhân hoá trải nghiệm mà còn là nhu cầu được trải nghiệm mua sắm đồng nhất tại nhiều kênh từ các kênh online đến cửa hàng offline. 

Theo nghiên cứu của MasterCard, những khách hàng có trải nghiệm mua sắm đa kênh với một nhà bán lẻ cụ thể có xu hướng chi tiêu hơn mức trung bình 250%. Ngay cả nhãn hiệu thời trang Macy cũng nhận định rằng giá trị của những khách hàng mua sắm đa kênh cao gấp 8 lần so với những người chỉ mua sắm trên một kênh duy nhất. 

Hơn nữa, người dùng smartphone có xu hướng sử dụng thiết bị của họ khi đang mua sắm tại cửa hàng offline với nhiều nhu cầu khác nhau mà khảo sát của Retail Dive đã liệt kê rất cụ thể:

  • 58% sẽ tìm kiếm sản phẩm và các thông tin về sản phẩm;
  • 54% sẽ xem và so sánh giá;
  • 40% sẽ thu thập voucher hay coupon;
  • 33% truy cập vào ứng dụng di động của doanh nghiệp;
  • 22% quét mã QR
Tiềm Năng Phát Triển Với Mobile Commerce Trong Năm 2023 - Cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh
Cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh

Vì thế, có thể khẳng định bằng cách triển khai Mobile Commerce, doanh nghiệp có thể mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm đa kênh. 

Thương mại di động đã bùng nổ nhờ cú hích Covid năm 2020, đến nay khi đại dịch đã qua đi nhưng vai trò và sức ảnh hưởng của mCommerce đối với sự phát triển của các công ty thương mại điện tử là rất lớn. 

Nếu các doanh nghiệp định hướng tiếp cận với Mobile Commerce trong năm 2023 thì đó là một quyết định đúng đắn. 

Liên hệ với SECOMM ngay hôm nay để tìm hiểu thêm về thương mại di động cũng như những giải pháp tối ưu nhất để bắt đầu. 

2
9,734
0
1
31/03/2023


    Sign Up for newsletter!

    Subscribe to get the latest eBook!