Tag: số hóa dữ liệu

Tất Cả Bài Viết
Danh Mục
Chủ đề
Mới nhất
digital transformation layers
3 PHÂN LỚP CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẦY ĐỦ
Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi liên tục trong cuộc sống hiện đại xoay quanh giá trị cốt lõi là những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. Trong đó, quá trình chuyển đổi số cũng dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các doanh nghiệp và cá nhân mặc dù đã len lỏi vào các quy trình vận hành của doanh nghiệp kể từ khi máy tính trở nên phổ biến vào thập niên 90s. Tuy nhiên, chuyển đổi kỹ thuật số đã đánh dấu một bước đột phá ngoạn mục khi nó trở thành một chủ đề nóng trên toàn cầu kể từ đầu năm 2020. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng lớn của nó đối với tương lai doanh nghiệp, trong đó, các yếu tố chìa khóa của quá trình chuyển đổi số – số hóa dữ liệu, số hóa quy trình đã thể hiện đầy đủ những nhiệm vụ mà doanh nghiệp cần hoàn thiện để tiếp cận với nhiều cơ hội mới trong tương lai. Chúng đồng thời cũng là những trụ cột quan trọng trong hệ thống chuyển đổi số đa lớp, hình thành tính liền mạch của dữ liệu, công nghệ và con người.

1. Góc nhìn học thuật về chuyển đổi số và các quan điểm liên quan

Tiến trình chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết cho các mô hình truyền thống để bắt kịp công nghệ và thời đại. Việc triển khai chuyển đổi số phù hợp với từng mô hình cụ thể sẽ góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó có thể vừa tăng doanh thu vừa có thể tối ưu hóa quy trình vận hành, tạo ra các giá trị về văn hóa doanh nghiệp và nguồn nhân lực. Về cơ bản, một mô hình chuyển đổi số hoàn chỉnh có thể được hình thành từ 3 phân lớp chính: dữ liệu, quy trình, và mô hình kinh doanh.

Ở lớp dữ liệu, cần tiến hành số hóa các nguồn dữ liệu để quản lý dễ dàng hơn bằng cách áp dụng công nghệ. Ở lớp quy trình và mô hình, doanh nghiệp sẽ tiến hành các chiến lược chuyển đổi cho quy trình vận hành dựa trên nền tảng dữ liệu kỹ thuật số đã được chuyển đổi. Với quy mô rộng hơn, doanh nghiệp có thể cân nhắc chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với định hướng về dài hạn và phát triển nền văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thực hiện từng bước hay thực hiện đồng thời tất cả các phân lớp đều khả thi nếu lựa chọn đó phù hợp với yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra, cũng như các chiến lược chuyển đổi cụ thể về ngắn hạn và dài hạn.

Số hóa dữ liệu (Data digitization)

Số hóa dữ liệu là tiến trình chuyển đổi định dạng từ tài liệu giấy sang định dạng kỹ thuật số sau đó lưu trữ các cơ sở dữ liệu kỹ thuật số vào các hệ thống máy tính quản lý dữ liệu của doanh nghiệp. Các hệ thống này được hình thành bằng cách áp dụng công nghệ để lưu trữ dữ liệu một cách thông minh và có hệ thống, giúp cho việc truy xuất dữ liệu dễ dàng và nhanh chóng hơn, dữ liệu trở nên chủ động hơn và mang lại nhiều giá trị sử dụng cho hoạt động kinh doanh.

Số hóa dữ liệu sẽ tạo dựng một môi trường hoạt động tinh gọn hơn trong khi vẫn đảm bảo tính hệ thống chặt chẽ và nguồn dữ liệu hoàn chỉnh, hình thành nên một cấu trúc hạ tầng số cho doanh nghiệp. Đây đồng thời là phân lớp cốt lõi của tiến trình chuyển đổi số, hình thành nên nền tảng cho tất cả các phân lớp còn lại. Tính đến hiện tại, số hóa dữ liệu là một giải pháp tối ưu đảm bảo được tính toàn vẹn và bảo mật cho hệ thống dữ liệu về lâu dài. Giải pháp này giúp giảm bớt chi phí vận hành một cách đáng kể.

Khi đó, các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chính là kho lưu trữ quan trọng nhất có thể phát huy hiệu quả tối đa cho việc truy cập và khai thác dữ liệu trong doanh nghiệp. MySQL là một minh chứng điển hình cho một trong những hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến hiện nay với nhiều tính năng tiện ích. Hệ thống này hoạt động dựa trên mã nguồn mở nhưng vẫn đảm bảo tốc độ nhanh chóng và tính an toàn của dữ liệu, đặc biệt là các hệ thống dữ liệu dung lượng lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh các hệ thống quản lý dữ liệu khác như SQL Server, Oracle, PostgreSQL,… MySQL có khả năng đáp ứng phần lớn các yêu cầu về sử dụng dữ liệu như hiệu năng lưu trữ, tiêu chuẩn bảo mật và an toàn dữ liệu.

Các lợi thế vượt trội này giúp cho MySQL được giới chuyên môn đánh giá cao và được triển khai trong nhiều ngành công nghệ có độ phức tạp cao.

Số hóa quy trình và mô hình kinh doanh (Process and model digitalization – PMD)

Dựa trên nền tảng cốt lõi là hệ thống dữ liệu số, số hóa quy trình và mô hình kinh doanh tạo thành một phân lớp rộng hơn bao phủ bên ngoài. Phân lớp này mang tính phức tạp cao và bao hàm nhiều hình thái phong phú tùy theo cách thức, mục tiêu hoạt động của công ty. PMD là sự chuyển đổi dựa trên các hạ tầng công nghệ và khung dữ liệu số để tạo thành một nền tảng kỹ thuật số.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, doanh nghiệp cần phân tích những vấn đề mà quy trình vận hành, mô hình kinh doanh hiện tại đang gặp phải. Từ đó, họ có thể đưa ra định hướng, chiến lược phù hợp cho các quyết định chuyển đổi. Nhìn chung, phân lớp chuyển đổi này đã hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chuyển đổi số như:

  • Kết nối doanh nghiệp – khách hàng trong quá trình kinh doanh;
  • Duy trì, phát triển các sáng kiến công nghệ thích hợp;
  • Tối ưu nguồn nhân lực theo thời gian.

Đồng thời, một doanh nghiệp cần kết hợp tập trung thực hiện các giải pháp số hóa vào việc tạo ra hệ thống giá trị khách hàng và xây dựng mô hình vận hành.

Hiện tại các doanh nghiệp đã áp dụng thành công các nền tảng CRM hay các phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP để tối ưu hóa các quy trình vận hành về mặt thời gian và nguồn lực. Trong đó có thể kể đến các nền tảng quản lý như Zoho CRM, Microsoft Dynamics CRM hay Salesforce CRM. Những cái tên này đều là những công cụ hỗ trợ tuyệt vời tạo nên tính liền mạch cho các quy trình, tiến trình hoạt động trong các phòng ban của doanh nghiệp.

Các hệ thống CRM hay ERP đều hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đạt được doanh thu mục tiêu, đồng thời có thể gỡ rối hiệu quả cho các quy trình thủ công phức tạp hoặc các vấn đề liên quan đến khả năng kiểm soát và bảo quản dữ liệu.

3 layers of digital transformation
3 phân lớp của quy trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số (digital transformation – DT) là phạm trù lớn nhất, là bước đi gần như hoàn thiện nhất đưa doanh nghiệp đến gần hơn với nền kinh tế số 4.0. DT mô tả toàn bộ quá trình số hóa dữ liệu và chuyển đổi quy trình vận hành, mô hình kinh doanh. Mục đích cuối cùng của tiến trình là hướng tới con người, đồng thời kết hợp văn hóa doanh nghiệp và định hướng nền tảng khách hàng. Chuyển đổi số đặt mục tiêu vĩ mô hơn về định hướng kỹ thuật số cho con người trong việc xây dựng các chiến lược, các nền tảng văn hóa, công nghệ kỹ thuật số cũng như cách con người thích nghi với các chuyển đổi số này.

Nhìn chung, hầu hết các công ty khi tiến hành chuyển đổi số đều gặp phải các rào cản lớn. Họ thường bỏ qua một kế hoạch số hóa dữ liệu hoàn chỉnh trong khi chỉ tập trung hoàn thiện các kế hoạch vĩ mô hơn trong giai đoạn số hóa quy trình và mô hình kinh doanh, điều này không mang lại hiệu quả chuyển đổi số cao do bước chuẩn bị ban đầu đã không được thực hiện kỹ càng.

Hơn nữa, những ước tính không thích hợp về thời gian cũng như ngân sách hạn hẹp cũng sẽ là một thử thách đáng kể cho các nhiệm vụ chuyển đổi số trong từng giai đoạn cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần chinh phục các loại công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực số. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp không thể vượt qua với các kết quả chuyển đổi như kỳ vọng. Tuy nhiên, so với các thách thức dồn dập mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian gần đây (dịch bệnh COVID-19), chuyển đổi số sẽ hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu và các nền tảng số, xóa bỏ mọi khoảng cách, kết nối thế giới dễ dàng ở mọi nơi mọi lúc.

2. Điểm hoàn thiện của tiến trình chuyển đổi số – thương mại điện tử?

Quy trình chuyển đổi số căn bản đã tạo ra những thay đổi về cả hiệu quả kinh doanh và doanh số của nhiều doanh nghiệp B2C và B2B. Trong đó, thương mại điện tử là một biểu hiện điển hình nhất đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng kể từ 2017. Các doanh nghiệp B2C đã và đang tăng cường phát triển kênh thương mại điện tử mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, các mô hình B2B lại tập trung vào các chuỗi/hệ thống/quy trình như quá trình sản xuất hay quá trình phân phối hàng hóa khi dần chuyển đổi sang các phương thức trực tuyến để đáp ứng tính linh hoạt, nhanh chóng của chuỗi cung ứng 4.0.

ecommerce in digital transformation
Kỷ nguyên số đã chứng kiến sự chuyển đổi hoàn thiện từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử.

Tính đến hiện tại, có thể xem thương mại điện tử là một biểu hiện hoàn thiện của tiến trình chuyển đổi số. Kênh thương mại điện tử có khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng và liên tục, đồng thời đảm bảo khả năng tối ưu hóa về UI/UX để cung cấp một trải nghiệm người dùng hoàn hảo, hướng đến trải nghiệm khách hàng và tăng doanh thu. Đây cũng là những yêu cầu cơ bản để chuyển đổi số thị trường và hoàn thiện hệ thống vận hành của doanh nghiệp. Tùy theo mục tiêu chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ dừng lại ở giai đoạn phù hợp nhất với mô hình kinh doanh của mình. Một số doanh nghiệp chỉ có nhu cầu số hóa dữ liệu để vận hành dễ dàng hơn.

Nhưng xét ở phương diện tổng thể hơn, hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến hệ thống thương mại điện tử để có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh một cách độc lập, kết nối trực tiếp với khách hàng, đối tác và tiếp cận gần hơn các kết quả của chuyển đổi số. Đây cũng là định hướng phát triển chính của hầu hết các nhà bán lẻ hiện nay. Họ tập trung khá nhiều nguồn lực vào việc phát triển kênh thương mại điện tử để có thể mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.

The Coffee House là một minh chứng cho kết quả chuyển đổi số ấn tượng của ngành F&B tại Việt Nam. The Coffee House đã hoàn thiện ứng dụng đặt hàng của riêng mình trước nhu cầu vận hành và quản lý nguồn dữ liệu chuyên sâu hơn. Ứng dụng này ban đầu được hoàn thiện dựa trên yêu cầu tăng thêm tính dễ dàng cho việc tích điểm thẻ hội viên và phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, kênh bán hàng này đã phát triển nhiều hơn thế và trở thành một kênh kinh doanh chủ lực kết hợp liền mạch với các cửa hàng hiện có của thương hiệu.

The story of The Coffee House brand
The Coffee House là một minh chứng chuyển đổi số ấn tượng cho ngành F&B tại Việt Nam

Ứng dụng TCH hướng đến kết nối và tương tác trực tiếp với khách hàng theo mô hình D2C, cho phép người dùng ứng dụng có thể tạo tài khoản hội viên để tích điểm và gọi món dễ dàng. Các tính năng này cho phép thương hiệu dễ dàng tiếp cận với dữ liệu khách hàng và thói quen đặt món, từ đó các phân tích chuyên sâu về dữ liệu sẽ góp phần vào việc phát triển các sản phẩm mới, hoặc thay đổi thực đơn cho phù hợp hơn với khẩu vị của người dùng.

Chuyển đổi số là một hành trình dài hạn cần được thực hiện với một chiến lược chi tiết và đầy đủ, đồng thời đáp ứng thời gian và ngân sách phù hợp với khả năng hiện tại của doanh nghiệp. Các phân lớp số hóa cũng cần có cơ hội để phát huy đầy đủ vai trò của mình trong nền tảng số, giúp cho quá trình chuyển đổi diễn ra đầy đủ và hiệu quả. Những cân nhắc về hệ thống thương mại điện tử hoàn chỉnh cũng là hành động cần thiết cho các chuỗi cung ứng hiện nay trên thị trường. Thương mại điện tử sẽ là công cụ thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng hơn hết, tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể triển khai chiến lược có mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

2
4,446
0
1
06/09/2021


    Sign Up for newsletter!

    Subscribe to get the latest eBook!